Chia sẻ lý do nghiên cứu, chế tạo thức ăn sinh học trong chăn nuôi, kỹ sư Tạ Hùng Đậu cho biết: “Tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Hà Nội) tôi được phân công về làm việc tại Trạm khuyến nông thành phố Phúc Yên. Năm 2007, tôi được điều chuyển về làm chuyên viên tại Phòng Kinh tế thành phố, phụ trách mảng chăn nuôi, thú y.
Từ đó, tôi bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu với mong muốn chế tạo một loại thức ăn chăn nuôi có thể tạo ra sản phẩm thịt chất lượng, sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân…”.
Tháng 3/2007, đề tài “Nghiên cứu thức ăn sinh học tạo thành thịt lợn sạch cung cấp cho nhân dân và xuất khẩu” của kỹ sư Tạ Hùng Đậu được phê duyệt triển khai nghiên cứu khoa học cấp tỉnh.
Sau nghiệm thu, nhận thấy những hiệu quả, từ năm 2007 – 2009, anh tiếp tục mở rộng mô hình ứng dụng thức ăn sinh học tại 3 phường của Phúc Yên, gồm Phúc Thắng, Đồng Xuân, Tiền Châu với quy mô khoảng 1.000 con lợn.
Anh Đậu cho biết: “Thức ăn sinh học có thành phần là các loại ngũ cốc, men tiêu hóa vi sinh và thảo dược trong tự nhiên như Kim ngân, Thổ phục linh, Nghệ đỏ… giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Lợn được nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược có chất lượng thịt vượt trội so với các loại thịt lợn khác đang bán trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận…”.
Từ năm 2007 đến nay, năm nào kỹ sư Đậu cũng gửi mẫu thịt từ lợn sử dụng cám sinh học đi kiểm tra tại Viện Công nghiệp thực phẩm Hà Nội và kết quả cho thấy, 100% chỉ tiêu phân tích thịt lợn đều đạt tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn CODEX (tiêu chuẩn 7046-2002 dựa trên nền tiêu chuẩn quốc tế). Hàm lượng các hóa chất độc hại như chì, kẽm, thủy ngân, asen, cadimi, dư lượng kháng sinh… thấp hơn quy chuẩn cho phép từ 10 – 50 lần.
Bên cạnh đó, qua phân tích tại Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh cho thấy, chất thải từ lợn sử dụng thức ăn sinh học giảm ô nhiễm môi trường 60% so với sử dụng thức ăn thông thường khác.
Năm 2011, công thức sản xuất thức ăn sinh học thảo dược của kỹ sư Tạ Hùng Đậu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng Độc quyền giải pháp hữu ích.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ trong tỉnh mà nhiều hộ, doanh nghiệp chăn nuôi tại một số tỉnh, thành khác đã tới tìm hiểu, học hỏi mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học của kỹ sư Tạ Hùng Đậu. Hiện nay, anh Đậu đã chuyển giao công nghệ chế biến thức ăn sinh học thảo dược cho nông dân một số địa phương như Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam…
Cùng với chuyển giao công nghệ chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học cho nông dân, kỹ sư Tạ Hùng Đậu đang tiếp tục thí điểm triển khai mô hình nuôi gà bằng thức ăn sinh học. Đề tài được phê duyệt nghiên cứu khoa học cấp tỉnh từ tháng 3/2020, sau gần 1 năm triển khai đã có những kết quả bước đầu.
Chị Nguyễn Thị Chí, tổ dân phố Tiền Châu, phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên, một trong những hộ dân thí điểm chăn nuôi gà bằng thức ăn sinh học cho biết: “Gà sử dụng cám sinh học ít bệnh tật hơn, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon hơn so với gà sử dụng cám thông thường. Lứa vừa rồi tôi nuôi thử nghiệm 300 con. Gà ăn cám sinh học bán được giá cao hơn 30 – 40% so với gà ăn cám thông thường. Hiện tôi đang nuôi tiếp 500 con gà để phục vụ dịp Tết Nguyên đán.”
Dựa trên kết quả đạt được trong chăn nuôi, kỹ sư Tạ Hùng Đậu còn ấp ủ mong muốn việc phát triển chăn nuôi bằng thức ăn sinh học sẽ là tiền đề thúc đẩy phát triển vùng trồng cây dược liệu của địa phương, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Anh Đậu cho biết thêm: “Tôi mong muốn sản phẩm thức ăn sinh học ngày càng được biết đến và sử dụng rộng rãi, góp phần tạo nên một nền nông nghiệp sạch, cuộc sống xanh. Để làm được điều đó, tôi sẽ tiếp tục làm việc và cố gắng không ngừng nghỉ…”.
Kỹ sư Tạ Hùng Đậu sinh năm 1969, hiện đang công tác và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phúc Yên (thuộc công đoàn cơ sở Khối Đoàn thể thành phố Phúc Yên). Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ “Bằng Độc Quyền” số 919 do cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp ngày 07/10/2011 với giải pháp: “Thức ăn sinh học dùng để chăn nuôi lợn”. Đứng trước một thực trạng tại Việt Nam chúng ta nền sản xuất thức ăn ngày càng phát triển do nhu cầu chăn nuôi lớn, kéo theo nạn ô nhiễm môi trường ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhiều nhà Khoa học đã bỏ không biết bao nhiêu công sức và trí tuệ nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và giảm khí thải hiệu ứng nhà kính gây nên. Đặc biệt, cao điểm vào năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở nhiều tỉnh của Việt Nam và ở các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á đã gây tâm lý lo lắng trong nhân dân, cho các hộ chăn nuôi lợn, cho ngành Nông lâm – Ngư nghiệp và tài nguyên môi trường, thiệt lại kinh tế nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi và xuất khẩu thịt lợn ở Việt Nam. Chính từ những thực trạng trên, với kinh nghiệp chuyên ngành đào tạo là Kỹ sư Chăn nuôi – Thú y, cùng với kinh nghiệm thực tiễn, với lòng gắn bó, tâm huyết với nghề, sau nhiều năm nghiên cứu, Kỹ sư Tạ Hùng Đậu đã đưa ra giải pháp về nghiên cứu thức ăn sinh học nhằm tạo nên chất lượng thịt ngon, thịt không có mùi hôi, tanh vì giảm hẳn lượng axit béo không no tồn dư trong thịt lợn chăn nuôi công nghiệp hiện nay. Nghiên cứu thức ăn sinh học tạo thành thịt lợn sạch cung cấp cho nhân dân và xuất khẩu, ứng dụng trong chăn nuôi lợn thịt F2 chất lượng thịt ngon và tốt hơn so với các loại thịt lợn lưu hành trên thị trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là việc làm hữu ích hiện nay. Giải pháp“Thức ăn sinh học tạo thành thịt lợn sạch cung cấp cho nhân dân và xuất khẩu” được chiết xuất từ thành phần Cây Kim Ngân (tên khoa học Lonirejapo, Micathumb), Cây Thổ phục linh (tên khoa học Smilax glaboa roxb) và Men vi sinh SHL100. Đây là công nghệ mới được Kỹ sư Tạ Hùng Đậu nghiên cứu từ ngày 18/6/2007 đến ngày 10/10/2007 trải qua ba giai đoạn áp dụng thực hiện.
Giai đoạn 1: + Lợn từ 10kg-20kg: 300 gam/bữa/con x 4 bữa/con/ngày.
+ Lợn từ 21kg-30kg: 400 gam/bữa/con x 3 bữa/con.ngày.
Giai đoạn 2: + Lợn từ 31kg-45kg: 500 gam/bữa/con x 3 bữa/con.ngày.
+ Lợn từ 46kg-50kg: 600 gam/bữa/con x 3 bữa/con.ngày.
+ Lợn từ 51kg-60kg: 700 gam/bữa/con x 3 bữa/con.ngày.
Giai đoạn 3: + Lợn từ 61kg-75kg: 800 gam/bữa/con x 3 bữa/con.ngày.
+ Lợn từ 76kg-90kg: 900 gam/bữa/con x 3 bữa/con.ngày.
Qua ba giai đoạn, được thực nghiệm trong ba tháng đầu chất lượng thịt sau mổ khảo sát và đem phân tích màu sắc, độ đàn hồi, mùi vị, tỷ lệ mỡ. Qua kết quả phân tích mẫu thịt của lô thí nghiệm cho thấy chất lượng của lô thí nghiệm sử dụng thức ăn sinh học nghiên cứu hơn hẳn chất lượng thịt của lô đối chứng cụ thể hàm lượng Chì trong mẫu thịt đối chứng mức tiêu chuẩn Việt Nam cho phép gấp hai lần. Có thể thấy, Giải pháp“Thức ăn sinh học tạo thành thịt lợn sạch cung cấp cho nhân dân và xuất khẩu” của Kỹ sư Tạ Hùng Đậu đã thành công ngoài mong đợi, mang lại giá trị kinh tế, xã hội cao, đảm bảo môi trường. Đến nay, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, đối tác tin dùng và ký hợp tác lâu dài. Các giải pháp thực hiện:
Ngày 24/10/2014, tại Thành ủy Hà Nội tác giả đã tham gia lễ ký kết với lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc để khai thác vùng nguyên liệu thảo dược tự nhiên làm thức ăn sinh học, trước khi nông dân chưa có nhà đầu tư phát triển vùng trồng cây dược liệu làm nguyên liệu sản xuất thức ăn sinh học.
Ngày 25/8/2014: Tác giả đã ký hợp tác liên kết với Công ty cổ phần Thiên Hợp – tại thị trấn Đông Anh – Hà Nội để sản xuất thức ăn sinh học đến nay đã đi vào hoạt động ổn định.
Ngày 05/10/2015: Tại tỉnh Hà Tĩnh tác giả đã ký hợp tác sản xuất thức ăn sinh học với Tổng công ty Khoáng Sản &Thương mại Hà Tĩnh và Công ty CP phát triển Nông lâm – Hà Tĩnh tiếp tục ứng dụng thức ăn sinh học vào chăn nuôi.
Ngày 15/11/2015: Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tuyển chọn các công nghệ có thế mạnh đáp ứng được yêu cầu cho nền Nông nghiệp Việt Nam (36 công nghệ), qua 2 vòng sơ khảo và trung khảo, giải pháp đã trúng tuyển vào vòng trong, 36 công nghệ thi chọn được 05 công nghệ thuộc đề tài: “Sống Xanh Ai Là Chuyên Gia”, kết quả “đạt giải Nhì”.
Ngày 04/6/2016: Tại hội đồng khoa học Bộ NN&PTNT – Viện Di Truyền Nông Nghiệp Việt Nam đã nghe tác giả Tạ Hùng Đậu thuyết minh sản phẩm và thuyết trình công nghệ, tại hội nghị này hội đồng khoa học của Bộ NN&PTNT đã đồng ý cho Viện di truyền triển khai nhiệm vụ nuôi cấy mô cây dược liệu ký hiệu mã số 01: Là cây Kim Ngân (Quy mô từ 16.000 – 20.000 cây giống cung cấp cho tác giả và sẽ cung cấp tiếp cây giống thảo dược khác vào những năm tiếp theo).
Ngày 01/7/2016: Ban Khoa Giáo Đài Truyền Hình Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ mời các nhà đầu tư cùng tác giả Tạ Hùng Đậu đưa công nghệ “Thức ăn sinh học dùng để chăn nuôi lợn” lên sàn giao dịch.
Ngày 25/7/2016: Hợp đồng ký kết chuyển quyền sử dụng sản phẩm thức ăn sinh học tạo thành thịt sạch đã được ký kết để ứng dụng nhanh vào đời sống xã hội, gồm các bên tham gia như: Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, Đài truyền hình Việt Nam, Nhà đầu tư và tác giả Tạ Hùng Đậu và Luật sư bảo hộ Bản Quyền tác giả.
Tháng 01 năm 2017: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh ký hợp tác chuyển giao Công nghệ về ứng dụng thức ăn sinh học Thảo dược giao Hợp Tác Xã Huệ Hùng thuộc huyện Thạch hà – Hà Tĩnh ứng dụng quy trình chăn nuôi và quy trình sản xuất thịt lợn sạch theo Tiêu chuẩn VN: TCVN: 7046-2002.
Tháng 6/2017:Trung Ương Đoàn Thanh Niên cộng sản Hồ Chí Minh ký Hợp đồng với tác giả Tạ Hùng Đậu triển khai ứng dụng thử nghiệm thức ăn sinh học Thảo dược cho gà nuôi thịt tại ba tỉnh gồm: Huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, Huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang và huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Tháng 4 năm 2019: Trung Ương Đoàn Thanh Niên CSHCM ký Hợp đồng vởi tác giả Tạ Hùng Đậu triển khai ứng dụng thử nghiệm thức ăn sinh học Thảo dược cho gà nuôi thịt tại các tỉnh gồm: Tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Tháng 10 năm 2019, tác giả Tạ Hùng Đậu đã đăng ký tham gia hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ VII và đạt giải Ba ở lĩnh vực dự thi Nông – Lâm – Ngư nghiệp và Tài nguyên môi trường. Với những đóng góp cống hiến lớn cho nền khoa học, kỹ thuật tỉnh nhà, nhiều năm liền Kỹ sư Tạ Hùng Đậu đã được các cấp, các ngành tặng Giấy khen, Bằng khen và được vinh danh tại hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ VII (2018-2019). Giải pháp “Thức ăn sinh học tạo thành thịt lợn sạch cung cấp cho nhân dân và xuất khẩu” của Kỹ sư Tạ Hùng Đậu được Hội đồng thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đăng ký tham gia dự thi sáng tạo kỹ thuật do Trung ương tổ chức (vào tháng 12 năm 2019) và được Liên đoàn Lao động thành phố Phúc Yên đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen năm 2019./.
Tạ Ngọc Nam-PCT.HĐHTVN-P.BLSHTVN sưu tầm và biên soạn ngày 14/05/2022 theo nguồn: phucyen.vinhphuc.gov.vn…