“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”.
50 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi hè về, những câu thơ của người đồng đội Lê Bá Dương lại ngân lên trong đầu người cựu chiến binh (CCB) Tạ Văn Sứ (sinh năm 1954), và những kỉ niệm cùng đồng đội trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), gắn với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử ấy lại ùa về trong tâm trí ông.
Tâm sự với người viết, ngồi dưới bóng cây nhãn cổ thụ đang râm ran tiếng ve, mà ông bảo giống như tiếng máy bay trinh sát của địch suốt ngày quần thảo trên nóc hầm. Ông bồi hồi nhớ lại: Năm 1971, vừa tròn 17 tuổi, ông xung phong đi bộ đội đúng vào lúc cuộc chiến giải phóng miền nam đang vào giai đoạn cam go nhất. Sau huấn luyện ông được điều về mặt trận bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Đơn vị C18-E48-F320B. Ngày đó, do nhỏ người, nhanh nhẹn nên ông được cử làm chiến sỹ thông tin hữu tuyến trực tổng đài chỉ huy cùng tiểu đội trưởng Thoảng (Anh hùng LLVT Mai Ngọc Thoảng- Người Thanh Hóa- được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT khi mới 20 tuổi) với nhiệm vụ đảm bảo đường dây thông tin phục vụ chiến đấu. Đơn vị thông tin hữu tuyến của ông phải ngày đêm lăn lộn xông pha tiền tuyến, nơi nguy hiểm nhất để đảm bảo “mạch máu thông tin liên lạc” luôn luôn được thông suốt.
Theo dòng lịch sử: Ngày 30-3-1972, toàn bộ Quảng Trị bắt đầu nổ súng, quân ta tiến đánh Cồn Tiên, Dốc Miếu rồi tiến đánh và giải phóng Cam Lộ vào ngày 2-4. Ngày 28-4, giải phóng Ái Tử, ngày 1-5 toàn bộ thị xã Quảng Trị được giải phóng. Để lấy lại tinh thần cho quân đội Việt Nam Cộng hòa và gây sức ép cho ta tại Hội nghị Paris, địch dốc toàn bộ lực lượng, mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị mà mục tiêu số 1 là chiếm lại Thành cổ. Mỹ đặt mục tiêu bằng mọi giá phải cắm cờ trên Thành cổ trước ngày 13-7-1972, tức trước khi Hội nghị 4 bên chính thức khai mạc tại Paris để thảo luận các vấn đề về Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Bởi vậy, chúng mở chiến dịch Lam Sơn 72, dùng hết các loại vũ khí tối tân nhất hòng chiếm lấy toàn bộ Thành cổ Quảng Trị.
Trung đoàn 48 là một trong những trung đoàn được chốt giữ Thành cổ Quảng Trị cùng các trung đoàn chủ công của Sư đoàn 320B lúc bấy giờ. Cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 48 (Trung đoàn Thạch Hãn) với biệt danh lúc bấy giờ là Trung đoàn Quang Sơn, khẩu hiệu duy nhất, tiến công duy nhất của Trung đoàn 48 là “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn”. Khẩu hiệu đó khắc sâu trong tâm trí của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 48 và chiến đấu cực kỳ ngoan cường, dũng cảm.
“81 ngày đêm (từ ngày 28-6 đến 16-9-1972) để giữ trận địa, Quân ta đã liên tục bổ sung quân số. Và dòng sông Thạch Hãn cũng trở thành “túi hứng bom đạn”. Theo ước tính số bom đạn chúng rải xuống mặt trận Thành cổ, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima (Nhật Bản) năm 1945. Hàng nghìn chiến sỹ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Khi chốt giữ Thành cổ Quảng Trị nếu tổng kết lại, cứ một ngày chưa kể các đơn vị bạn thì Trung đoàn 48 có một đại đội hy sinh. Chúng ta hy sinh vì cuộc chiến đấu này để giữ vũng mục tiêu bảo vệ lấy thị xã Quảng Trị – tiếng nói của Hội nghị Paris” ông bồi hồi nhớ lại.
Mình còn sống sót cũng là một kỳ tích- Ông ngậm ngùi kể: Lương khô thì ít, đồng đội chia nhau từng tấm, nước uống thì tranh thủ lúc ngưng bão đạn bò ra lấy từ hố bom, nước đục như váng cua, đem về cho thuốc khử trùng vào rồi uống, đường dây thông tin đứt liên tục, có đêm ông vừa nối lại đường dây bị bom đứt, đang cõng xác đồng đội về thì bom rơi đúng chỗ ông vừa nằm tránh pháo, mảnh đạn pháo, mảnh bom bay xung quanh ông như pháo hoa…
Đêm ngày 16 -9- 1972, sau 81 ngày đêm chiến đấu gian khổ ác liệt và hy sinh đơn vị ông được lệnh rút sang bờ bắc sông Thạch Hãn, củng cố lực lượng tăng cường bảo vệ cửa Việt, tiếp tục chiến đấu đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Với những thành tích đặc biệt trong chiến đấu, ông đã vinh dự được tặng thưởng: Huy chương kháng chiến hạng nhì; Huy chương chiến sỹ giải phóng hạng ba; Kỷ niệm chương chiến sỹ bảo vệ thành cổ Quảng Trị 1972; 2 Bằng khen của Sư đoàn trưởng về giữ vững thông tin liên lạc trong chiến đấu và nhiều giấy khen khác…
Phục vụ Quân đội đến năm 1984, ông về phục viên với quân hàm Thượng úy chính trị viên Đại đội. Về quê, ông tiếp tục tham gia công tác địa phương tại Quỹ Tín Dụng nhân dân xã Cộng Hòa với chức vụ là Chủ Tịch Hội Đồng quản trị đến năm 1988, do những di chứng từ ngày hè đỏ lửa bên thành cổ Quảng Trị: Mắt mờ, tai nặng, ông nghỉ hưu…ông được tặng Kỉ niệm chương vì sự nghiệp Ngân Hàng Việt Nam; Kỷ niệm chương liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Về với đời thường, CCB Tạ Văn Sứ luôn giữ vững phẩm chất người Đảng viên với huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, sống chan hòa làng xóm, tích cực cùng Hội CCB phát triển kinh tế. Ông Tạ Minh Ngọc- Chủ tịch Hội CCB xã Cộng Hòa cho biết: Bác CCB Tạ Văn Sứ còn là một trong những người giúp Hội Cựu chiến binh xã Cộng Hòa vươn lên thành điểm sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Bác luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của Hội, do tuổi cao, sức khỏe yếu nên bác không trực tiếp lao động nặng được, nhưng có kiến thức về công nghệ thông tin nên bác luôn đi sâu đi sát với những trang trại chăn nuôi, trồng trọt của anh em trong Hội, Hội CCB xã Cộng Hòa là một chi Hội mạnh trong toàn huyện về phong trào CCB phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương trong thời đại mới, trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi đúng khoa học kỹ thuật một phần cũng là nhờ sự tìm hiểu, đóng góp ý kiến của bác Sứ. …
Công tác xã hội, trong dòng họ, ông cũng luôn nhận được sự tín nhiệm, kính trọng của mọi người, hiện tại ông đang là ủy viên Ban chấp hành (UV BCH) Hội đồng Họ Tạ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2023. Ông Tạ Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng họ Tạ huyện Hưng Hà cho biết: Bác Sứ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, xây dựng dòng họ văn hóa, với trách nhiệm là UV BCH Hội đồng họ Tạ Việt Nam, bác luôn quan tâm đi sâu sát với các chi họ Tạ trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Hưng Hà, động viên các chi họ xây dựng nếp sống văn hóa, động viên con cháu tránh xa các tệ nạn xã hội, đến nay, 5 chi họ Tạ thuộc 5 xã trên địa bàn huyện luôn giữ vững là dòng họ văn hóa nhiều năm liền, cùng nhau thi đua phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu…
Sắp đến kỉ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng sắp đến ngày kỉ niệm tròn 50 năm mùa hè đỏ lửa Thành cổ Quảng Trị, người viết bài hy vọng rằng những kỉ niệm hào hùng, tinh thần bất khuất kiên cường của người chiến sỹ cộng sản năm xưa sẽ truyền lại cho thế hệ trẻ ngày nay, sinh ra và lớn lên trong thời bình, có một động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế, và cũng có lập trường tư tưởng vững vàng trước những tư tưởng bọn phản động đang kích động trên mạng xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Tạ Xuân Sinh (Hưng Hà)