<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="/images/bannerv2.png" class="vllogo"></a>

Đại tá, nhà báo Tạ Duy Đức, nguyên Trưởng phòng biên tập Thời sự quốc tế, Báo Quân đội nhân dân.

Kiên nhẫn tự học, tự rèn luyện, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ từ một chiến sĩ lăn lộn trong chiến đấu vươn lên trở thành một nhà báo có bản lĩnh chính trị, trung thành với sự nghiệp cách mạng của đảng  và dân tộc; yêu nghề, tận tụy và năng động với bút sắc, lòng trong phục vụ bạn đọc. Đó là những nét đặc trưng ở Đại tá Tạ Duy Đức
Khởi nghiệp từ một chiến sĩ cầm bút viết báo in đá li-tô của Trung đoàn Thủ Đô nổi tiếng về truyền thống chiến đấu “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trong kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi tiếp tục trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, với 45 năm tuổi quân đến lúc nghỉ hưu vào năm 1992, nhà báo Duy Đức đã lưu lại một số lượng tác phẩm báo chí đáng nể. Chỉ riêng thời gian hơn 27 năm công tác ở Báo QĐND, ông đã viết hơn 1.600 bài báo, gồm các thể loại tin tức, tường thuật, ghi chép, phản ánh, phóng sự, ký sự, trong đó có hàng trăm bài luận văn chính trị, xã luận, bình luận sắc sảo thu hút bạn đọc cả nước.

Cuối năm 1964, quân và dân cả nước sôi sục khí thế tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Tạ Duy Đức được điều động về tăng cường cho Báo QĐND làm phóng viên, chiến đấu bằng ngòi bút. Với lòng yêu nước nồng nàn cộng với ý chí quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, cũng như lớp người cùng thời luôn xác định sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần, đồng chí Tạ Duy Đức đã hăng hái nhận nhiệm vụ làm phóng viên chuyên nghiệp tại tờ báo lớn của Quân đội.

Ngày đầu về Báo QĐND, ông được phân công làm phóng viên Phòng biên tập Công tác Đảng, công tác chính trị. Một tháng sau đó, ông được cử làm phóng viên thường trú tại Quân khu 4-vùng “đất lửa” cam go, ác liệt khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt bằng không quân và hải quân hòng “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Phóng viên Duy Đức đã nhiều lần đi vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ông đạp xe xuyên đêm đến các trọng điểm, trận địa pháo cao xạ thu thập tài liệu viết báo.

Tháng 12-1972, quân dân ta chuẩn bị và tiến hành Chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, phóng viên Duy Đức đã có những bài báo biểu dương chiến tích của Bộ đội Phòng không-Không quân bắn rơi máy bay Mỹ, những bài xã luận cổ vũ quân dân ta kiên quyết đánh thắng không quân Mỹ xâm lược. Ông thường xuyên có mặt tại trận địa pháo cao xạ, trận địa tên lửa đang bảo vệ Thủ đô Hà Nội, viết nhiều bài báo ca ngợi những chiến công và cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta.

Trong bài xã luận kỷ niệm lần thứ 18 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đăng Báo QĐND số 3946 ra ngày 7-5-1972 do phóng viên Duy Đức viết có câu nhấn mạnh lưới lửa phòng không của Việt Nam là “pháo đài kiên cố đánh bại những bước leo thang chiến tranh cao nhất của Mỹ. Một trang sử vẻ vang mới mở ra: Việt Nam đã buộc Mỹ phải “chấp nhận một Điện Biên Phủ trên không”. Vậy là cụm từ đặc biệt “Điện Biên Phủ trên không” xuất hiện đầu tiên trên Báo QĐND. Đến cuối tháng 12-1972, “trận Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” đã trở thành hiện thực hùng tráng qua 12 ngày đêm chiến đấu hết sức kiên cường của quân dân ta, ghi thêm vào lịch sử một chiến công vô cùng hiển hách của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Khi xảy ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, phóng viên Duy Đức lại lao vào trận chiến mới bằng ngòi bút của mình. Ông đã hai lần được cử đi Campuchia lấy tài liệu viết báo giới thiệu thành tích chiến thắng của sư đoàn Quân tình nguyện Việt Nam giải phóng thủ đô Phnom Penh, tố cáo tội ác diệt chủng tàn khốc của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary. Với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, ông đã viết nhiều bài xã luận, bình luận ca ngợi cuộc phản công quân sự chính nghĩa của quân dân ta để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Cuối năm 1980, đồng chí Duy Đức được thăng quân hàm Đại tá và được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng biên tập Thời sự quốc tế, Báo QĐND. Nhạy bén với nhiệm vụ mới, ông tranh thủ tự học thêm tiếng Pháp, tiếng Anh nhằm đáp ứng yêu cầu viết báo giữa lúc thời cuộc trong nước và trên thế giới có những chuyển động với nhiều sự kiện khủng hoảng và những biến cố khôn lường. Được Tổng biên tập Trần Công Mân chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi, nhà báo Duy Đức nhanh chóng mở rộng thêm quan hệ với các đại sứ quán, các cơ quan thông tấn nước ngoài nhằm khai thác thông tin tình hình quốc tế. Ông đã viết nhiều bài chuyên luận chính trị, bình luận quốc tế được Ban biên tập đánh giá chất lượng tốt, góp phần giúp bạn đọc nhận thức đúng đắn trước những diễn biến thời cuộc gay cấn, bất ngờ trong nước và trên thế giới; bảo vệ nền tảng chính trị Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Song song với việc viết bài, ông cũng rất coi trọng và đã góp phần tích cực xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên; phát triển thêm quan hệ đối ngoại của Báo QĐND. Phòng biên tập Thời sự quốc tế còn có quan hệ thân thiết với các hãng thông tấn nước ngoài và nhiều nhà báo của Liên Xô, Trung Quốc, các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa, Pháp, Nhật Bản, Anh có trụ sở tại Hà Nội, hoặc là khách đến thăm, trao đổi thông tin với Báo QĐND.

Ghi nhận thành tích đóng góp của Đại tá Tạ Duy Đức, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã trao tặng ông: Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đại tá TRẦN NHUNG (Nguyên Trưởng phòng biên tập Thời sự quốc tế, Báo QĐND)