Sư đoàn bộ binh 9 – Quân đoàn 4 tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Tiểu đoàn 1- Trung đoàn 1, Tiểu đoàn 4 – Trung đoàn 2 và cố đại tá Tạ Minh Khâm – nguyên Sư đoàn trưởng do Chủ tịch nước phong tặng.
Đại tá Tạ Minh Khâm sinh năm 1924 ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Ông tham gia bộ đội thời kỳ đánh Pháp rồi đánh Mỹ, chủ yếu ở chiến trường miền Đông Nam bộ và trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn như: chiến dịch Bình Giã năm 1964, chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài năm 1965, chiến dịch phản công đánh bại cuộc càn Gian- xơn Xi- ty năm 1976, các đợt tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Đặc biệt trong trận Đường Long tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn biệt động quân 32 mang tên “Cọp Đen” thuộc Sư đoàn 5 Ngụy tháng 12/1963, đại tá Tạ Minh Khâm đã thể hiện bản lĩnh của người chỉ huy, tinh thần mưu trí, sáng tạo trong thời khắc quyết định đã kiên quyết chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trận này quân ta tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 32 “Cọp đen” biệt động quân ngày 31/12/1963. Hôm ấy, bọn ngụy (do cố vấn Mỹ chỉ huy) hành quân đến Bàu Đưng, cách ấp Đường Long (Bến Cát-Bình Dương) chừng 1 cây số về phía tây bắc và đang tiến về khu vực đóng quân của Trung đoàn 2 giữa lúc Trung đoàn trưởng “cũ” Mười Cộng đang bàn giao nhiệm vụ cho anh Sáu Khâm. Thấy tình hình cấp thiết, cần phải có mặt ngay ở sở chỉ huy, anh Sáu Khâm nói nhanh: “Việc bàn giao kể như xong” và lập tức lệnh cho Tiểu đoàn 5, một bộ phận Tiểu đoàn 6 và Đại đội 21 chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, hạ quyết tâm tiêu diệt gọn cánh quân này của địch.
Sau gần 3 giờ chiến đấu, Trung đoàn 2 đã diệt gọn Tiểu đoàn “Cọp đen” ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 250 tên, 81 tên bị bắt làm tù binh. Ta bắn hạ 3 trực thăng vũ trang, thu 110 súng các loại, nhiều đồ dùng quân sự. Đây là trận vận động tấn công đầu tiên trên chiến trường miền Nam ta tiêu diệt gọn tiểu đoàn quân chủ lực địch. Chiến thắng này là công sức và máu xương của cả đơn vị, nhưng không thể không kể đến sự chỉ huy nhạy bén và dứt khoát của ban chỉ huy trung đoàn, trong đó có Trung đoàn trưởng Sáu Khâm.
Sau trận này một năm (12/1964), trung đoàn vinh dự tham gia chiến dịch Bình Giã (Bà Rịa)- lần đầu tiên ta chủ động mở chiến dịch trên chiến trường Miền Nam. Trong chiến dịch này, anh Sáu Khâm mạnh dạn đề xuất với Bộ chỉ huy chiến dịch là không đánh địch từ Bà Rịa lên (theo Lộ 2 về Long Khánh), tạo cho địch sự chủ quan nhất định vì không gặp bất cứ trở ngại nào, nhưng khi địch trở về đến Sông Cầu (đoạn nguy hiểm) thì ta chặn đầu, khóa đuôi, đánh thốc bên sườn, diệt gọn đoàn xe thiết giáp của địch. Phương án này đã được BCH chiến dịch chấp thuận. Trong trận đánh này, Trung đoàn 2 dưới sự chỉ huy của đồng chí Sáu Khâm đã diệt gọn 14 chiếc xe M113 của Chi đoàn thiết xa vận số 3 (Thiết đoàn 1) của địch; loại khỏi vòng chiến đấu 107 tên, trong đó có 9 cố vấn Mỹ; bắn rơi tại chỗ 3 máy bay trực thăng và làm bị thương 3 chiếc khác, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng.
Đây là trận có hiệu suất chiến đấu cao, một điển hình về vận động phục kích diệt gọn chi đoàn xe thiết giáp giữa ban ngày trong điều kiện vũ khí diệt xe bọc thép của bộ đội còn hạn chế. Những trận đánh do đại tá Tạ Minh Khâm chỉ huy đã được đúc kết và đưa vào bộ môn khoa học quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được đồng đội quý mến, nhân dân nơi đóng quân tin yêu, xứng danh là “Người của chiến trường”.
Một trận đánh khác cũng nổi tiếng không kém ở chiến trường miền Đông là trận tiêu diệt chi khu Đồng Xoài. Khi các mũi đột kích đã tiếp cận hàng rào và nằm chờ giờ G (24 giờ). Nhưng khoảng 21 giờ 25 thì bỗng nhiên súng trong chi khu bắn như vãi đạn vào đội hình của tiểu đoàn, rồi các trận địa pháo của địch thi nhau trút bão lửa xuống chung quanh căn cứ Đồng Xoài gần cả tiếng đồng hồ. Đường dây liên lạc bị cắt nát, phần lớn cán bộ và chiến sĩ ở mũi đột phá đều bị thương, hy sinh. Trước tình hình đó, anh Sáu Khâm hội ý chớp nhoáng trong BCH rồi trực tiếp xuống kiểm tra, đốc chiến. Anh nhận định: Tiểu đoàn 5 thương vong khá lớn, không còn khả năng đột kích mở cửa mở. Hơn nữa, địch đang tập trung vào hướng này nhằm chặn đường tiến của quân ta bằng mọi giá. Do vậy anh Sáu lệnh cho Tiểu đoàn 4 chọn những cán bộ đại đội dũng cảm, mưu trí mở hướng đột kích mới. Bằng sự chuyển hướng tiến công kịp thời, cộng với sự gan dạ, dũng cảm của Đại đội trưởng Tạ Quang Tỷ, Chính trị viên Hà Văn Cheo, các cán bộ, chiến sĩ quả cảm của trung đoàn, đến 5 giờ sáng ngày 10/6, ta đã chiếm được phần lớn các mục tiêu trong Chi khu Đồng Xoài …
Trận then chốt tiêu diệt Chi khu quân sự Đồng Xoài trong chiến dịch Sông Bé-Phước Long kết thúc thắng lợi, Trung đoàn 2 hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, trong đó có vai trò của Trung đoàn trưởng Tạ Minh Khâm đã đích thân xuống các mũi ác liệt nhất để xốc lại đội hình, điều chỉnh phương án tác chiến. Đó còn là sự đồng lòng của cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn không quản ngại hy sinh, vượt lên tất cả, làm nên một Đồng Xoài lịch sử.
Đại tá Tạ Minh Minh Khâm được tặng thưởng 17 huân, huy chương, nhiều bằng khen, giấy khen các loại và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân vào ngày 16/12/2014.
Tạ Ngọc Nam-PCT.HĐHTVN-BLSHTVN sưu tầm và biên soạn ngày 29/05/2022 nguồn: baoquankhu7.vn,cuuchienbinhtphochiminh.vn…