GIÁO SƯ-TIẾN SĨ-NGHỆ SĨ NHÂN DÂN-TẠ BÔN

Cả 4 người trong gia đình của giáo sư – tiến sĩ – nghệ sĩ nhân dân (GS.TS.NSND) Tạ Bôn đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Chính vì thế, căn nhà của họ sinh sống được khán giả hâm mộ gọi đó là “Ngôi nhà nghệ thuật”.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Tạ Bôn
Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Tạ Bôn
Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Tạ Bôn ( 9 tháng 12 năm 1942 ) là một nghệ sĩ violon Việt Nam. Ông là một trong số ít những giáo sư về violon của Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, nguyên Trưởng đoàn giao hưởng Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh.
TIỂU SỬ
Ông sinh năm 1942 tại Thường tín, Hà Tây, trong một gia đình âm nhạc. Cha ông là nhạc sĩ Tạ Phước, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội ngày nay). Các anh em của ông đều theo nghiệp đàn dây là Tạ Tuấn, Tạ Đôn (violon), Tạ Huấn (cello). Ông bắt đầu học violon với cha ngay từ năm 5 tuổi.
Năm 1954, khi mới 12 tuổi, ông đã đi du học Trung cấp âm nhạc khoa violon ở Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong thời gian học, ông đã biểu diễn thành công nhiều tác phẩm, trong đó có Vui xuân mới của Mao Wen (Trung Quốc). Năm 1958, ông được chọn đi thi Concours violon Enescu tại Bucharest (Romania) và đã nhận được bằng danh dự Diplome. Ông là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên tham dự một concours âm nhạc quốc tế. Cũng trong năm 1958, sau khi tốt nghiệp trung cấp Nhạc viện Bắc Kinh, ông tiếp tục được cử sang học đại học Nhạc viện Tchaikovsky ở Mókva. Năm 1962, ông nhận Huy chương bạc violon tại Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới tổ chức ở Helsinki ( Phần Lan ).
Năm 1964, sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở về giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (lúc này đang sơ tán ở Hà Bắc). Từ năm 1965 đến 1968, ông tiếp tục học Nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Tchaikovsky. Năm 1968, ông trở về giảng dạy violon tại Trường Âm nhạc Việt Nam, từng giữ chức Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Năm 1991, ông vào công tác Nhà hát Giao hưởng – Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian học tập tại Nhạc viện, ông đã được giới chuyên môn và truyền thông Moskva đánh giá cao. Ông đã biểu diễn tại nhiều miền ở Việt Nam và ở các nước Nga, Trung Quốc, Phần Lan, Rumani, Cuba, Tiệp Khắc, Hungary, Bungary, Campuchia… Với uy tín của mình, ông đã ba lần được mời làm giám khảo cuộc thi quốc tế P.I Tchaikosky (Nga 1978, 1982, 1986 ), hai lần là khách mời danh dự cuộc thi quốc tế J.S Bach ( Đức 1980, 1984).
ĐÓNG GÓP
Từ năm 1968, sau khi trở về giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội cùng với giáo sư Bích Ngọc và các giảng viên khác, ông đã góp phần xây dựng giảng dạy nhiều thế hệ nghệ sĩ violon. Nhiều học trò của ông đã trở thành những thành viên nòng cốt của dàn dây  Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.
Năm 1991, ông biên chế tại Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Những học trò của ông nhiều người đã thành danh, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như: Đỗ Phương Như (giải nhì cuộc thi violon quốc tế tại Đức (1990), giải nhì tại Pháp, giải nhất tứ tấu tại Leningrad), Tạ Đôn (nhà giáo ưu tú, hiệu phó trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội), Đỗ Xuân Tùng (trưởng phòng Đào tạo Nhạc viện Hà Nội), Nguyễn Anh Giang (trưởng bộ môn violon Nhạc viện TP Hồ Chí Minh), Bùi Công Duy, Tạ Tôn…
Năm 1992, ông là solist trong chương trình Nhạc giao hưởng vòng quanh đất nước. Năm 1999 làm cố vấn cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong chuyến biểu diễn ở Thượng Hải – Trung Quốc. Từ năm 1994  đến 2006, ông là Trưởng đoàn Giao hưởng của Nhà hát. Từ 2007, ông trở thành Cố vấn nghệ thuật của Nhà hát. Ngoài công tác biểu diễn và chịu trách nhiệm nghệ thuật, ông còn dàn dựng một số tác phẩm cho đàn dây.
Nghệ sĩ Tạ Bôn đã có nhiều đóng góp lớn trong việc phát triển nền âm nhạc Việt Nam. Năm 1984, ông được Nhà nước phong tặng học hàm Phó giáo sư và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 1991, ông cùng với giáo sư Bích Ngọc (chồng Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang, cha nghệ sĩ Bích Trà ), trở thành giáo sư violon đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2001, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
GIA ĐÌNH
Gia đình Tạ Bôn là một gia đình nghệ thuật nổi tiếng. Tiếp thu truyền thống từ người cha của ông là Giáo sư Tạ Phước, ông và các anh em của ông đều trở thành những nghệ sĩ violon và cello. Vợ ông là nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân Kim Dung, hiện nay là hiệu phó Trường Múa TP Hồ Chí Minh. Bà đã cùng với vợ chồng nghệ sĩ ưu tú Đặng Hùng – Vương Linh thành lập lớp múa Những Ngôi sao nhỏ. Con gái ông, Tạ Thùy Chi là một nghệ sĩ múa trưởng thành từ lớp Những Ngôi sao nhỏ, hiện nay đang làm giảng viên múa của Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh. Con trai ông, Tạ Tôn, cũng là một nghệ sĩ violon, đã tốt nghiệp master tại  Đại học Houston.
Gia đình vợ chồng GS.TS.NSND-Tạ Bôn-Kim Dung
Gia đình vợ chồng GS.TS.NSND-Tạ Bôn-Kim Dung
GS.TS.NSND Tạ Bôn đã trải qua 40 năm giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội và TP.HCM, nhiều học trò ông hiện đã trở thành những tài năng nòng cốt của dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Vợ ông, NGND Kim Dung, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM, là người nghệ sĩ luôn chất chứa trong tim niềm khát khao cháy bỏng dành cho nghệ thuật, cho những thế hệ học trò đam mê nghề múa. Được biết, chính thời gian học tại Liên Xô, NSND Tạ Bôn tình cờ quen và yêu cô gái cùng quê Hà Nội Nguyễn Kim Dung, sinh năm 1949 đang học nghiên cứu sinh về múa tại Mát-xcơ-va. 5 năm sau khi trở về Hà Nội, hai người đã cưới nhau. Cùng có niềm đam mê nghệ thuật và am hiểu về nghề nghiệp, tính tình của nhau nên cuộc sống của họ rất hạnh phúc.
Nhiều người bảo rằng: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, điều này quả thật đúng với gia đình của GS.TS.NSND Tạ Bôn bởi vì hai người con của họ – như những hạt mầm được gieo vào mảnh đất tốt nên đã phát triển được tài năng đúng sở trường, đặc biệt là đều nối nghiệp của cha và mẹ. Người con trai Tạ Tôn từng hai lần tham gia dàn nhạc trẻ châu Á. Chính những lần đi này, Tạ Tôn đã được Hội Âm nhạc trẻ của Úc chú ý và mời sang bên ấy tu nghiệp chuyên sâu về violon. Sau đó, Tạ Tôn thi đậu vào Nhạc viện San Francisco – Mỹ. Tốt nghiệp loại giỏi, anh lại tiếp tục thi vào học thạc sĩ tại Trường Âm nhạc Moores (thuộc Trường ĐH Tổng hợp Houston Texas Hoa Kỳ). Hiện nay, Tạ Tôn đã lấy hai bằng thạc sĩ âm nhạc và ở lại Mỹ học tiếp tiến sĩ. Cô con gái “rượu” Tạ Thùy Chi được đào tạo tại Trường Múa Quảng Đông, Trung Quốc. Đặc biệt, năm 2002, chị đã vượt qua 400 học sinh của Trường Múa Quảng Đông để đại diện thi cúp Đào Lý (cuộc thi múa chuyên nghiệp toàn Trung Quốc) và đoạt giải diễn viên ưu tú. Hiện tại, Thùy Chi đang là giảng viên Trường Múa TP.HCM. Thùy Chi cho biết: “Tôi đến với nghệ thuật chính là từ gia đình của mình, bố và anh trai là người đã đánh thức tôi vào mỗi sáng bởi tiếng đàn violon da diết. Còn với mẹ tôi, mẹ là người đã trực tiếp dành tặng cho tôi những điệu múa, những tiết tấu âm nhạc sôi nổi từ khi tôi mới lên 4. Tôi luôn thấy mình thật may mắn khi được sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật”.
Một kỷ niệm mà suốt đời NSND Tạ Bôn không bao giờ có thể quên được, đó là lần ông được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.HCM tổ chức một chương trình mừng sinh nhật 65 tuổi tại Nhà hát TP.HCM, trong đó có tiết mục đặc biệt với sự góp mặt của con trai Tạ Tôn, con gái Thùy Chi và vợ ông – nghệ sĩ múa Kim Dung. NSND Tạ Bôn cho biết: “Cuộc đời đã cho tôi quá nhiều hạnh phúc trong sự nghiệp và cuộc sống gia đình, tôi không còn mơ ước điều gì hơn. Gia đình chúng tôi sẽ gắn bó với nghệ thuật đến suốt đời”.
Tạ Ngọc Nam-PCT.HĐHTVN-BLSHTVN biên soạn ngày 22 /05/2022 theo nguồn:www.giaoduc.edu.vn…

Trả lời