BÁC SĨ – ANH HÙNG LAO ĐỘNG – THẦY THUỐC NHÂN DÂN TẠ THỊ CHUNG

Cô Hai Chung (bìa trái) và nhà văn Trầm Hương (bìa phải) cùng nhau tạo nên tác phẩm

Cuốn sách có 5 phần, là cuốn hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp của Bác sĩ Tạ Thị Chung từ trong chiến tranh đến thời bình, gồm: Quê hương và kháng chiến, Những ngày hòa bình, Bác sĩ Tạ Thị Chung và đồng nghiệp, Bác sĩ Tạ Thị Chung và gia đình, Bác sĩ- Anh hùng lao động – Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung – Lan tỏa yêu thương.

Bác sĩ Tạ Thị Chung và Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng.

Bác sĩ Tạ Thị Chung tên thật là Tạ Thị Tám, sinh ngày 10/12/1931 tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Từ năm 1946, cô tham gia cách mạng, làm nữ hộ sinh, y tá, bác sĩ trong chiến khu. Sau năm 1975, cô công tác tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, giữ chức Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện. Từ năm 1998 đến nay là Phó Giám đốc Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Bác sĩ Tạ Thị Chung nhận danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân” (năm 2001), “Anh hùng Lao động” (2012), Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng (2015) và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Trong nhiều bài viết được in trong cuốn sách, có lẽ bài “Một lá đơn nghĩa tình”, tức lá đơn mà Anh hùng Lao động – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng – Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy – UBND TPHCM, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương và Ban Thi đua khen thưởng TPHCM được ghi ngày 26/7/ 2010, và “trình bày về những đóng góp của đồng chí Tạ Thị Chung – nguyên Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Từ Dũ” là một bài viết nói lên khá đầy đủ về những đóng góp to lớn của Bác sĩ Tạ Thị Chung cho Bệnh viện Từ Dũ nói riêng và cho sự đổi mới, phát triển của ngành y tế nói chung. Sau khi khái quát thành tựu của Bệnh viện Từ Dũ sau 35 năm xây dựng và phát triển, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng khẳng định vai trò lãnh đạo xuất sắc của Bác sĩ – Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Từ Dũ. Đó là: Năm 1979, Bí thư Đảng ủy Tạ Thị Chung đã chủ động xin cấp trên cho Bệnh viện làm thí điểm mở phòng khám ngoài giờ. Từ mô hình mới này của Từ Dũ, nhiều bệnh viện khác đã làm theo, góp phần làm giảm số y bác sĩ nghỉ việc, đi nước ngoài.

Cũng trong thời gian này, Bí thư Đảng ủy đã cùng Ban Giám đốc Bệnh viện tính toán chặt chẽ để bắt đầu thu một phần viện phí với những bệnh nhân có thu nhập khá, để tăng thêm nguồn hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo.

Từ hai vấn đề đột phá đó, mở hướng xã hội hóa cho lĩnh vực y tế. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Tạ Thị Chung đã cùng Đảng ủy, Ban Giám đốc ủng hộ, nhờ đó mà Thành ủy, UBND TP chấp nhận kế hoạch nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc da cam/ dioxin với sức khỏe sinh sản con người và vấn đề sinh sản của Bác sĩ – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Công trình này, với thành quả của nó đã góp phần vào các vấn đề khoa học, xã hội và cả đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của Việt Nam. Đồng chí Bí thư Đảng ủy đã ủng hộ tích cực và tạo điều kiện để Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng sang CHLB Đức để trình bày về chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Sau chuyến đi, đoàn Hòa Bình Quốc tế đã sang thăm và giúp đỡ Bệnh viện Từ Dũ xây dựng Làng Hòa Bình ở Bệnh viện, rồi lan rộng ra các tỉnh thành. Làng Hòa Bình Bệnh viện Từ Dũ đã đón nhận hơn 2000 cháu khuyết tật bẩm sinh mà sau này đã chứng minh được là do ảnh hưởng chất độc da cam/ dioxin.

Từ những cháu bé khuyết tật ở Làng Hòa Bình, năm 1986, được sự hỗ trợ của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã đưa hai cháu song sinh Việt –Đức sang Nhật Bản điều trị viêm não cho cháu Việt. Ngày 4/1/1988, ca mổ tách đôi hai cháu Việt – Đức do Bác sĩ Trần Đông A, người đứng đầu ê kíp mổ, thành công ca mổ được đi vào sách Guiness Thế giới, đánh dấu một bước phát triển của y học Việt Nam.

Từ năm 1990, Bí thư Đảng ủy Tạ Thị Chung đã hỗ trợ để Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng Sở Y tế TP ra nước ngoài tìm đối tác xây dựng Viện Tim; đồng chí đã ủng hộ việc Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng kiêm luôn Giám đốc Viện Tim trong thời gian đầu đi vào hoạt động, để từ đó mà có được Viện Tim như ngày nay.

Những năm 1993, dù có ý kiến trái chiều, Bí thư Đảng ủy Tạ Thị Chung đã ủng hộ Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng triển khai chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản. Đến nay, chương trình này mỗi năm giảm hàng ngàn trường hợp bà mẹ và trẻ tử vong do hủ tục trong sinh sản. Đồng chí Tạ Thị Chung còn góp phần quan trọng vào việc đưa chương trình tiêm vắc xin viêm gan siêu vi B, trước tiên cho trẻ sơ sinh TPHCM, giờ đã trở thành chương trình quốc gia. Đồng chí cũng giữ vai trò quan trọng để Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thành công chương trình điều trị vô sinh bằng thụ tinh trong ống nghiệm. Chương trình thành công và phát triển, ngoài ý nghĩa là một thành tựu khoa học, đã mang lại hạnh phúc cho hàng chục ngàn gia đình.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng viết: “Lãnh đạo một bệnh viện có trên dưới 2000 cán bộ công nhân viên, y bác sĩ, đồng chí Tạ Thị Chung luôn nêu cao đoàn kết, tạo sức mạnh từ sự thống nhất, đồng lòng. Trong cuộc sống cũng như trong công tác, đồng chí luôn gương mẫu, giản dị mà nhanh nhạy, sâu sắc, có tâm, có tầm. Nhiều cán bộ quản lý, cán bộ khoa học của bệnh viện đã trưởng thành nhờ sự dìu dắt, chỉ đạo, hỗ trợ và tấm gương của đồng chí Bí thư Đảng ủy Bệnh viện, trong đó có tôi”.

Sách “Tấm lòng rộng mở” là công sức của rất nhiều tác giả.

Nhà văn Trầm Hương, người chủ biên Tấm lòng rộng mở khái quát cuộc đời Bác sĩ Tạ Thị Chung bằng hình ảnh: “Với tôi, cô Hai Chung, như sen giữa đời thường, lặng lẽ tỏa hương, lặng lẽ dâng hiến cho đến lúc sức cùng lực kiệt, dù từng cánh rời khỏi đài sen vẫn tận hiến, quấn quýt với cuộc đời…”

Tại buổi lễ ra mắt sách ,tác giả Tạ Thị Chung giản dị nói : ‘’ Tôi rất ngại viết về chuyện của mình…Hôm nay có nhiều anh chị em trong cơ quan, địa phương,các em, các cháu và những người làm nên trong cuốn sách này, tôi rất vui và xin cảm ơn,…đặc biệt cảm ơn chị Trầm Hương phải đi tìm thêm tư liệu rất cực khổ’’.

Người chủ biên cuốn sách ,nhà văn Trầm Hương cho biết chị rất áp lực khi nhận lời làm sách về cô Hai Chung. “ Cô Hai Chung rất khiêm nhường khi nói về mình ,kể cả khi người ta khen cô thì cô bảo đừng viết vậy kỳ lắm ‘’. Thấy tấm lòng của  cô Hai Chung, nhiều người gần xa đã đến dự buổi ra mắt sách này . Trong đó có cô Nguyễn Tuyết Sương (quê Bến Tre ) đã lặn lội từ mảnh đất  “ chôn nhau cắt rốn’’ của cô Hai Chung lên TP.HCM dự buổi lễ ra mắt sách của một người bác sĩ – thầy thuốc mà cô Sương đã ngưỡng mộ từ khi còn bé . Cô xúc động : “ Tôi cũng quê ở Bến Tre, rất may mắn đã biết cô Hai và gia đình cô Hai từ rất nhiều năm trước khi là bạn học với các con của cô, thỉnh thoảng được gặp nói chuyện với cô nên cũng hiểu cô Hai là người phụ nữ như thế nào . Hôm nay, cầm trên tay cuốn sách viết về cô,thực sự đúng như những gì tôi đã biết. Cô Hai quả thực là một người giàu lòng nhân ái, sống thủy chung, đức hạnh, biết chăm lo cho tất cả mọi người ,…”

Bác sĩ Tạ Thị Chung và nhà văn Trầm Hương cùng một số bà con quê Bến Tre đến chúc mừng.

Dù ở bất kỳ cương vị nào, cô Hai Chung cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xứng đáng với truyền thống phụ nữ Việt Nam : “ lương y như từ mẫu “, “ giỏi việc nước, đảm việc nhà ”, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã tặng Phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.Cô Hai Chung mãi mãi là niềm tự hào của những người con họ Tạ Việt Nam  nói chung và chị em phụ nữ họ Tạ nói riêng trong thời kỳ mới !

Tạ Ngọc Nam PCT.HĐHTVN-BLSHTVN sưu tầm và biên soạn.
(*) Tấm lòng rộng mở – Chuyện về Bác sĩ –Anh hùng Lao động – Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung – Nhiều tác giả, NXB Hồng Đức, năm 2016.

Trả lời