THIẾU TƯỚNG TẠ ĐÌNH HIỂU-NGUYÊN TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG TĐ600 ĐẦU TIÊN-BỘ TƯ LỆNH CẢNH VỆ-BỘ CÔNG AN

Thiếu tướng Tạ Đình Hiểu-Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ Đô Hà Nội
Thiếu tướng Tạ Đình Hiểu-Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ Đô Hà Nội
Thiếu tướng Tạ Đình Hiểu, sinh năm 1924, ở xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Từ nhỏ, ông đã lên Hà Nội và nhiều tỉnh khác kiếm sống, được giác ngộ cách mạng rồi được tổ chức phân công trở lại quê nhà xây dựng phong trào. Ông đã vận động nhân dân phá kho thóc của Nhật, cướp chính quyền, sau này ông là cán bộ quân sự tỉnh. Cuộc đời quân ngũ hơn 40 năm, trong đó một thời gian dài ông là trung đoàn trưởng Trung đoàn 600 bảo vệ An toàn khu của Trung ương trên chiến khu Việt Bắc.
Tại ngôi nhà số 3, khu tập thể Y-éc-sanh, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ông xúc động kể cho tôi nghe những tháng năm được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ: Tháng 5 năm 1953, Trung ương chỉ thị thành lập một tiểu đoàn vũ trang đặc biệt để tăng cường công tác bảo vệ An toàn khu (gọi tắt là ATK) lấy cơ sở là đại đội 32 và tuyển chọn thêm cán bộ, chiến sĩ từ các sư đoàn 312, 308 và 304.
Lúc đầu, tiểu đoàn có 600 cán bộ, chiến sĩ, nên được Bác Hồ đặt tên là Tiểu đoàn 600 (sau là Trung đoàn 600). Do có thành tích trong chiến đấu, tôi được cử làm tiểu đoàn trưởng, kiêm chính trị viên tiểu đoàn. Chúng tôi rất vinh dự được sống và làm việc gần Bác, được Bác chăm lo dạy bảo từ công tác chuyên môn đến những điều cần chú ý trong sinh hoạt hàng ngày. Thời chiến, nên chỗ ở và làm việc của Bác và Trung ương thường xuyên phải di chuyển. Đại đội 36 chuyên được giao nhiệm vụ làm nhà và đào hầm cho Bác và Trung ương, đôi khi còn lúng túng khi chọn vị trí xây dựng. Thấy vậy, Bác gọi chúng tôi lên và dặn:
– Các chú chọn những nơi làm nhà cho Bác có đủ các điều kiện sau:
Trên có núi, dưới có sông
Có đất ta trồng, có bãi ta chơi
Tiện đường sang Bộ tổng
Thuận lối tới Trung ương
Gần dân, không gần đường.
Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo của Bác, những nơi chúng tôi chọn vừa bảo đảm yếu tố bí mật, vừa thuận tiện và luôn được Bác khen. Bác còn căn dặn tôi cần mở lớp bình dân học vụ để dạy văn hóa, nâng cao hiểu biết cho chiến sĩ.

BÁC ĐẶT TÊN TIỂU ĐOÀN 600

Từ lớp cán bộ đầu tiên như anh Tạ Đình Hiểu – TĐ trưởng, nay là Thiếu tướng tuổi đời đã ngót 90, đến lớp CBCS thế hệ hôm nay đều xúc động nhớ lại những kỷ niệm thiêng liêng, đẹp đẽ về Bác Hồ. Ngày đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ khu căn cứ ATK đã phát triển thành 5 đại đội.

Năm 1953, do yêu cầu công tác bảo vệ ATK và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương cần phải có một lực lượng đầy đủ quân số, chỉ huy tập trung thống nhất. 5 đại đội độc lập phải thống nhất lại thành một tiểu đoàn vũ trang cận vệ. Trong khi các cán bộ tổ chức đang loay hoay, lúng túng chưa biết đặt tên tiểu đoàn là gì, thì Bác biết tin. Bác đến và gặp gỡ hỏi ý kiến từng người.

– Thưa Bác, là Tiểu đoàn “đặc biệt” ạ! Một đồng chí cán bộ thưa với Bác.

– Thưa Bác, Tiểu đoàn 32 ạ! – Người khác thưa với Bác.

Cứ như thế, mỗi người một ý kiến khác nhau. Cuối cùng, Bác nói: Chúng ta có 5 đại đội, mỗi đại đội 120 người. Vậy là 600 người. Bác đặt là Tiểu đoàn 600, các chú có đồng ý không ?

Mọi người thấy có lý và hay quá vỗ tay hoan hô ủng hộ.

– Thưa Bác, tên 600 hay lắm, chúng cháu đồng ý ạ!

Từ đó, cái tên 600 thiêng liêng gắn bó suốt cả cuộc đời của nhiều thế hệ CBCS TĐ.

Đầu tháng 8 năm nay, tôi may mắn được tháp tùng đồng chí Thiếu tướng Vũ Xuân Sinh – Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an trong chuyến thăm về cội nguồn của Tiểu đoàn 600 năm xưa tại thôn Nà Đoỏng, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây là một địa danh lịch sử có truyền thống cách mạng, cách Tân Trào trung tâm khu giải phóng chừng gần 30 km.

Ngày nay, đến đó ôtô đi lại dễ dàng. Nhưng trước đây, đường đến đó chỉ là lối mòn, cây cối rậm rạp. Dựa lưng vào sườn núi cao, doanh trại tiểu đoàn là những lán tre nứa. Bên cạnh có bãi cỏ rộng chừng vừa một sân bóng chuyền. Ông Nguyễn Đức Hậu là người dân ở bản đó có mặt ngay từ những ngày đầu tiểu đoàn mới thành lập. Gặp chúng tôi, ông hào hứng kể lại: Nhiều lần ông đã đứng lặng nghe anh em 600 hát bài Quốc ca mà trong lòng rạo rực. Và một buổi chiều, ông đã mải miết ngồi xem Bác Hồ cùng anh em 600 đánh bóng chuyền. Dáng Bác mảnh khảnh, nhanh nhẹn. Bác phòng thủ chắc chắn, khi có thời cơ Bác mới tấn công.

” THƯA CỤ, CHO CHÁU XEM CÁI GIẤY RA VÀO “

Một lần, đồng chí Nha, người dân tộc vùng cao được phân công bảo vệ Đại hội Đảng, đứng gác ở một vị trí quan trọng. Thấy một cụ già chân đi dép cao su, đầu đội mũ đã cũ, vai mang một túi vải đang đi vào khu vực bảo vệ. Đồng chí Nha đến gần và hỏi: “Thưa cụ cho cháu xem cái giấy ra vào ạ”. Thấy vậy, một đồng chí trong tổ tiếp cận đến nói: “Bác đấy! Sao lại hỏi giấy Bác?”. Nha lúng túng rồi trả lời: “Bác cũng phải có cái giấy mới được vào”.

Đồng chí tiếp cận tỏ thái độ bực mình. Bác ôn tồn bảo: “Chú phải đi tìm chỉ huy của chú ấy mới được. Bác cháu mình quên giấy rồi”. Một lát sau, đồng chí chỉ huy vội chạy đến bảo: “Bác Hồ đấy, sao lại không để cho Bác vào!”. Lúc đó, đồng chí Nha mới biết ông cụ là Bác Hồ. Nha sung sướng quá, nhưng rồi ân hận đứng đờ người ra. Bác vui vẻ bảo Nha: “Chú làm nhiệm vụ bảo vệ như vậy là tốt”.

Sáng hôm sau, Bác cho gọi đồng chí chỉ huy và Nha lên chỗ Bác. Bác thưởng cho Nha tấm hình Bác vì Nha làm tốt nhiệm vụ. Bác phê bình đồng chí chỉ huy: “Chú là cán bộ khi giao nhiệm vụ cho chiến sĩ mới chưa giới thiệu về Bác làm trở ngại công việc là khuyết điểm”. Đây là bài học sâu sắc không những đối với người chiến sĩ mà còn cả với người chỉ huy trong công tác cảnh vệ.–PageBreak–

NHỮNG ĐIỀU DẠY QUÝ BÁU CỦA BÁC 

Tiểu đoàn ra đời chừng được gần một năm thì Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Hiệp định Genève ký kết (20/7/1954), thực dân Pháp rút khỏi thủ đô Hà Nội. Bác Hồ, các cơ quan Trung ương, Chính phủ chuyển về thủ đô Hà Nội. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ trong giai đoạn mới, Tiểu đoàn 600 được phát triển thành TĐ 600. Đồng chí Tạ Đình Hiểu làm TĐ trưởng, đồng chí Nguyễn Ngọc Châu làm Chính ủy.

Trước ngày về tiếp quản thủ đô Hà Nội, Bác đã sang thăm, quán triệt nhiệm vụ và động viên CBCS đơn vị trực tiếp bảo vệ Bác. Bác căn dặn: “Điều Bác muốn nói với các chú là phải đề phòng “viên đạn bọc đường”, loại đạn này lúc đầu bị bắn dù có trúng cũng không biết đau, còn khen ngọt là khác. Đến khi ngã ra hối hận thì đã muộn”. Thật là một lời căn dặn chí lý, chí tình, vừa nhẹ nhàng lại vừa sâu sắc, đến nay vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi. Từ đó, lời căn dặn của Bác đã trở thành phương châm xử thế trong cuộc sống và trong công tác của mỗi chúng ta.

Trên đường về Hà Nội, nhiều kỷ niệm đến nay không ai có thể quên được. Quãng đường dài trên 100 km, đi lại khó khăn, vất vả, phải qua trăm núi, trăm đèo. Nhưng sự tài tình kể chuyện của Bác, nhất là những câu chuyện vui làm cho tinh thần anh em thoải mái, quên hết mệt nhọc. Hôm đó, trên đường hành quân, bữa cơm có món canh rau “tàu bay” nấu hơi nhạt muối, lại bị xông khói. Bác dí dỏm: “Ăn rau “tàu bay” có mùi xăng nên nhẹ cả người”. Đang lúc mệt mỏi lại được nghe câu dí dỏm, ai nấy đều phá ra cười. Vì thế mà anh em ăn được nhiều cơm hơn.

Điều mà những người cùng đi với Bác là sự cảm phục khả năng đi bộ và sức dẻo dai của Bác. Có thể nói, đôi chân của Bác là đôi chân ngàn dặm. Bác toàn đi bộ, thỉnh thoảng mới đi ngựa, chỉ đi ôtô một vài đoạn. Bác đi quen sải chân đều, đúng giờ là nghỉ, hết giờ nghỉ lại đi, hễ đã định đến đâu là đến bằng được. Có người mệt mỏi đi chậm, Bác dừng lại ân cần mách bảo cách xoa chân, bóp chân bằng nước tiểu.

Chợt tôi nhớ lại thời kỳ ở Tân Trào. Hôm đó, Bác đi tắm ở một khúc suối sâu. Thấy Bác bơi ra xa, mấy anh em bảo vệ vội bơi theo vây quanh Bác để đề phòng bất trắc. Thấy vậy, vừa bơi Bác vừa nói vui: “Các chú là những chiếc máy bay Đa-cô-ta chiến đấu, còn Bác là máy bay bà già”.

Đế quốc Mỹ bắn phá ra miền Bắc. Cả nước dồn sức cho cuộc kháng chiến. CBCS TĐ phấn khởi được Bác sang thăm. Bác huấn thị: “Các chú phải giữ bí mật, phải đề cao cảnh giác. Các chú phải học tập cho tốt, kỷ luật cho nghiêm, lúc có địch coi như không có địch, lúc không có địch coi như có địch. Bác nói thế là để các chú không lộn xộn, vội vàng khi sự việc xảy ra”.

Hai thời điểm khá xa nhau nhưng những lời dạy của Bác đối với CBCS TĐ 600 vẫn nhất quán một tư tưởng là giáo dục CBCS phải đạt tới một trình độ nhất định để hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào, là bài học quý giá, không những về giá trị khoa học sâu sắc, mà còn có ý nghĩa thực tiễn phong phú trong công tác cảnh vệ lâu dài.

Gần 60 năm với tên Tiểu đoàn 600 rồi TĐ 600 đã gắn bó với bao kỷ niệm thiêng liêng về Bác. Bác thật là bao dung, bình dị, là vị lãnh tụ tối cao, là người chỉ huy chiến lược tài giỏi, là cha, là bác thân thuộc của CBCS TĐ 600 và với tất cả chúng ta.

Bắt đầu từ tháng 7/1969, ít ai biết rằng TĐ đã thay đổi một số chế độ sinh hoạt quen thuộc. Tiếng kẻng, tiếng còi, tiếng hò tập thể dục đều tạm ngừng, im phăng phắc. Bên nhà sàn Bác, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… qua lại nhà Bác khác với mọi ngày, đã mách bảo chúng tôi điều hệ trọng đã đến.

Thời gian Bác lâm bệnh, giấc ngủ của Bác rất thất thường, hễ có tiếng động là Bác dậy. Vì vậy, tạm ngừng tiếng kẻng, tiếng còi là để tỏ lòng thương yêu Bác. Khi Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo tin Bác Hồ qua đời, cả TĐ òa khóc nức nở. Tiếng nức nở rền rĩ, kìm nén lúc nhỏ lúc to gọi “Bác ơi!” tạo nên một thứ âm thanh nặng nề bao trùm. Sự trống vắng ập đến, mọi người không biết làm gì hơn ngoài bật òa tiếng khóc. Lòng dạ xót xa bởi thương nhớ Bác. Mọi người tự thấy mình như có khuyết điểm điều gì!

Nhìn lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của TĐ 600, hình ảnh thân thuộc và những lời dạy bảo ân cần của Bác đã in đậm trong trái tim người chiến sĩ. Nhờ nắm vững bản chất cách mạng và vận dụng sáng tạo những lời Bác dạy vào công tác của mình mà các thế hệ CBCS nối tiếp nhau đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Thành tích năm sau cao hơn năm trước.

Đặc biệt, trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu như Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2… hàng ngày phải tiếp xúc với nhân dân và khách các địa phương về Trung ương làm việc. Thấm nhuần lời dạy của Bác, CBCS ở đây đã quán triệt sâu sắc tư tưởng: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, Chính phủ” và “Hết lòng vì nhân dân mà phục vụ”. Các anh đã nắm vững quan điểm quần chúng của Bác. Do đó trong công việc, các anh luôn được nhân dân yêu mến, tin tưởng.

Cùng với sự chuyển mình đổi thay của đất nước, lực lượng Cảnh vệ nói chung và TĐ 600 nói riêng đã có những đổi mới về tư duy lãnh đạo, tư duy nghiệp vụ, thích ứng với tình hình nhiệm vụ mới. Hiện nay, TĐ có hơn 40% CBCS có trình độ đại học (Đại học An ninh), nhiều đồng chí đã có 2 bằng đại học. Đây là những vốn quý báu để phục vụ yêu cầu nhiệm vụ của TĐ.

55 năm qua, học tập và làm theo lời Bác và lối sống của Bác, thế hệ CBCS TĐ 600 hôm nay tự hào và khiêm tốn báo cáo với Bác, với Đảng, sẵn sàng chịu đựng khó khăn, gian khổ hy sinh cho lý tưởng cách mạng, luôn luôn coi nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước là mệnh lệnh thiêng liêng trong trái tim mỗi người chiến sĩ Trung đoàn Cảnh vệ hôm nay.

Các đại biểu dự buổi gặp mặt.
Các đại biểu dự buổi gặp mặt Truyền thống Trung đoàn 600.

Tạ Ngọc Nam-PCT.HĐHTVN-BLSHTVN sưu tầm và biên soạn ngày 30/04/2022 theo nguồn: qdnd.vn,cand.com.vn,…

Trả lời