Mười năm liên tục tu nghiệp ở những đất nước nổi tiếng thế giới về y học, được làm việc tại những phòng thí nghiệm lớn với các Giáo sư hàng đầu chuyên nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực gen và tế bào, từng có nhiều cơ hội định cư nước ngoài nhưng bác sĩ Tạ Thành Văn vẫn lựa chọn trở lại quê hương để cống hiến. Không nhiều người biết rằng ông là học trò xuất sắc của GS. Tasuku Honjo (Nhật Bản) – người đoạt giải Nobel về Y học năm 2018 vì phát minh về liệu pháp miễn dịch để tấn công tế bào ung thư. Tại Việt Nam, GS.TS, bác sĩ, NGND Tạ Thành Văn tiếp tục có những đóng góp lặng thầm cho y học với những công trình nghiên cứu khoa học vị nhân sinh.
SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA NHỮNG NGƯỜI THẦY LỚN
GS.TS, bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội sinh ra và lớn lên ở Đình Bảng (Từ Sơn) trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học. Sự nghiêm khắc trong nuôi dạy con và tấm gương chỉn chu của người cha là một nhà giáo đã góp phần quan trọng xây đắp nền tảng đạo đức, nếp sống giản dị, ngăn nắp, khoa học, ý chí vượt khó ở Tạ Thành Văn. GS. Văn nhớ lại “Cả 10 anh chị em tôi đều không học vỡ lòng mà lên thẳng lớp 1 nhờ bố dạy. Hằng ngày, bố tôi yêu cầu các con dậy từ 5 giờ sáng tập thể dục nâng cao sức khỏe, đúng 9 giờ tối phải đi ngủ, một tuần chỉ duy nhất có ngày thứ 7 được ra phố chơi hoặc đi xem nhờ ti vi, nhưng cũng không có ngoại lệ, đúng 9 giờ tối phải có mặt ở nhà. Có lẽ, sự ảnh hưởng lớn nhất của bố đến tôi là sự nghiêm túc trong công việc và trong cuộc sống, bất kể việc lớn hay nhỏ đều phải có kế hoạch và dù gặp bao nhiêu khó khăn, trở ngại cũng phải cố gắng vượt qua, tận tâm, tận lực để hiện thực hóa kế hoạch đó”.
Nhìn vào sự nghiệp của GS. Tạ Thành Văn, có lẽ nhiều người chỉ thấy đỉnh cao trí tuệ mà ít ai biết được chặng đường đi đến thành công đó vô cùng gian nan và quá nhiều thử thách. Vượt qua lũy tre làng Đình Bảng đi học Trường Đại học Y Hà Nội, kể sao cho hết khó khăn giữa những năm tháng miệt mài trên giảng đường vẫn phải xoay vần với cơm áo. Kết thúc 6 năm Đại học, Tạ Thành Văn thi đỗ xuất sắc và tiếp tục học bác sĩ nội trú để học tiếp thêm 3 năm bậc sau Đại học, sau đó anh về làm giảng viên tại bộ môn Hóa sinh tại Trường Đại học Y Hà Nội. Đầu năm 1995, anh được học bổng của Chính phủ Nhật Bản để đi làm Tiến sĩ tại Học viện Kỹ thuật Kyoto (KIT). “Ngày xách va-ly lên đường sang Nhật, tôi chưa từng nghĩ đó là sự khởi đầu của chặng đường 10 năm liên tiếp sau đó. Tôi đã được học tập, làm việc ở những phòng thí nghiệm lớn và với những GS nổi tiếng thế giới về gen và tế bào, trong đó đi sâu nghiên cứu quá trình điều hoà gen và kiểm soát sự phát triển của tế bào. Đó là điều may mắn song cũng là áp lực vô cùng lớn. May mắn vì tôi trưởng thành nhờ những điều học hỏi ở những người thầy lớn, từ những kiến thức, cách tư duy khoa học đến nhân cách, cách thức ứng xử điều hành công tác quản lý. Còn áp lực bởi các thầy luôn đòi hỏi rất cao và cực kỳ nghiêm khắc về chất lượng công việc. Các bạn hiểu rằng, giải Nobel là ý tưởng của thầy, chứng minh ý tưởng đó là công sức của các thế hệ học trò. Điều đó không hề đơn giản” – GS. Văn chia sẻ.
