PGS.TS Tạ Văn Lợi – Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về chiến lược mở cửa lại nền kinh tế.
– Ông có thể chia sẻ về chỉ đạo của Thủ tướng kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu?
Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã làm cho số lượng người nhiễm và tử vong lớn hơn cả ba lần trước cộng lại. Vì tính mạng và sức khỏe người dân, chính quyền các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 nhằm khoanh vùng và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Kéo theo đó là hệ lụy dứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ các hoạt động kinh tế xã hội, chi phí xét nghiệm, cách ly hàng ngàn, chục ngàn tỷ đồng, thậm chí nhiều nơi kéo dài quá nhiều đợt giãn cách gây tâm lý mệt mỏi cho người dân, chính vì vậy Thủ tướng chỉ đạo không để tình trạng này kéo dài.
– Để đạt được mục tiêu mở cửa lại nền kinh tế, vấn đề vaccine được xem là giải pháp then chốt, thưa ông?
Thực tế không phải vừa qua chúng ta thực hiện việc đóng cửa kinh tế mà chỉ thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, mỗi nơi làm một kiểu, trên chỉ đạo dưới thực hiện chưa đúng gây đứt gãy chuỗi cung ứng và khoanh vùng xanh đỏ… cách ly quá rộng, làm cản trở lưu thông cả con người và hàng hóa. Do đó, việc dỡ bỏ giãn cách đòi hỏi phải đảm bảo an toàn cho người dân.
Thực chất vaccine chỉ là một cách để đạt được miễn dịch cộng đồng mang tính chủ động. Chúng ta đã chọn quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên nỗ lực bóc tách F0. Tuy nhiên, chi phí bóc tách, xét nghiệm, cách ly, giãn cách quá lớn so với chi phí vaccine, do đó theo tôi có thể vaccine là then chốt khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
– Theo ông, trong khi nguồn vaccine còn hạn chế, chúng ta có nên ưu tiên nguồn vaccine cho doanh nghiệp và người lao động để gỡ “nút thắt” phát triển kinh tế?
Hiện nay, khó khăn cho Việt Nam là chưa sản xuất được vaccine nên cung không đủ cầu. Quan điểm nước ta phòng bệnh hơn chữa bệnh nên đã dồn nguồn lực xử lý cách ly, xét nghiệm, giãn cách… Về nhu cầu tiêm vaccine, không chỉ doanh nghiệp, người lao động mà toàn dân đèu mong muốn được tiêm vaccine.
Trong khi nguồn vaccine hạn chế và đôi khi được các nước viện trợ nhưng kèm theo điều kiện nên khó khăn đủ bề. Nếu chỉ tiêm cho người lao động để gỡ nút thắt thì thực sự chưa chính xác, vì muốn dỡ giãn cách thì phải đạt miễn dịch cộng đồng, mà người lao động chỉ là một bộ phận. Trừ khi người lao động đó làm theo phương thức 3 tại chỗ, hạn chế tiếp xúc xã hội thì mới có thể duy trì nhưng rất khó kéo dài.
– Có nhiều ý kiến cho rằng, mở cửa lại kinh tế là tất yếu nhưng cần giải pháp tổng thể. Ông có thể phân tích về những giải pháp tổng thể này?
Theo kinh nghiệm của các nước phương tây và Mỹ, họ chấp nhận đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng ngay từ đầu, có thể bị nhiễm trong cộng đồng tự sinh khánh thế, hoặc chủ động tiêm vaccine để sinh kháng thể nhằm đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Do đó, họ chỉ cần chuyển đổi hệ thống y tế sang chữa bệnh cho số bị nhiễm mà không đủ sức khỏe phục hồi và giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Đối với các nước đó, họ đã đặt vấn đề kinh tế nên hàng đầu để giải quyết đại dịch nên có thể nói họ chọn giải pháp ít tốn kém nhất có thể.
Trong khi đó, quan điểm tiếp cận chống dịch ở nước ta lấy phòng bệnh, dồn mọi nguồn lực cho khoanh vùng, cách ly, giãn cách…, sau đó mới tiêm phủ vaccine để miễn dịch cộng đồng. Do không nhất quán từ đầu và chậm triển khai vaccine, không muốn tỷ lệ nhiễm và tử vong cao, nên theo tôi cần phải có giải pháp tổng thể sau.
Thứ nhất, thay đổi quan điểm chống dịch và kế hoạch chống dịch phải đồng bộ, nhất quán mới có thể mở cửa trở lại.
Thứ hai, dịch bệnh là quy luật tất yếu của cuộc sống, cần có chính sách từ đầu, kể cả đào tạo đội ngũ y tế cộng đồng đủ mạnh. Có nhiều kịch bản phản ứng nhanh và có nguyên tắc, chỉ tiêu và quy trình chuyển đổi từ trạng thái từ phòng bệnh sang chữa bệnh.
Thứ ba, mở cửa cũng cần có chính sách đồng bộ, kế hoạch, thống nhất, có bộ tiêu chí đánh giá đủ điều kiện và mở cửa từng bước. Đặc biệt, cần linh hoạt trong phản ứng với dịch bệnh.
– Đặt vấn đề mở cửa lại nền kinh tế là tất yếu trong bất kỳ bối cảnh nào, nhưng điều quan trọng là phải đặt điều kiện đơn giản cho doanh nghiệp. Như vậy, để không tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp, chúng ta có nên gỡ bỏ phương án “một cung đường, hai điểm đến” hay “3 tại chỗ” không, thưa ông?
Như đã trao đổi ở trên, chúng ta cần phải xây dựng thống nhất kế hoạch, tiêu chí mở cửa, điều kiện mở cửa trở lại, từng bước mở cửa và linh hoạt phản ứng với dịch bệnh nếu nó quay trở lại.
Vì vậy, mô hình “một cung đường hai điểm đến” hay “3 tại chỗ” đã làm thành công nhưng không phải cho tất cả, thì không vì lý do gì phải bỏ mà cần vận dụng đúng khi đủ điều kiện. Không những không bỏ mà nên xây dựng nhiều mô hình đa dạng khác để doanh nghiệp có nhiều lựa chọn cho phù hợp.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Tạ Ngọc Nam PCT.HĐHTVN-BLSHTVN sưu tầm: nguồn DIENDANDOANHNGHIEP.VN số ra ngày 19/06/2021