GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Nhìn lại một chặng đường

Ở con người ông luôn nổi bật hình ảnh của một Nhà Quản lý, Nhà giáo, Nhà khoa học tâm huyết, nhiệt thành của đất nước. Xuyên suốt chặng đường tận tụy làm việc, nghiên cứu không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học và khát vọng cống hiến, ông đã có những đóng góp lớn lao trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nước nhà. Ông là GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Ủy viên BCH TW Đảng cộng sản Việt Nam khóa X, XI, Đại biểu Quốc hội khóa XII, nguyên Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Ương.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn phát biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chủ đề “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao”. 
GS.TS Tạ Ngọc Tấn sinh năm 1954 tại làng Phú Hậu, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ – miền đất Tổ linh thiêng, quê hương của các Vua Hùng đã đi vào sử sách. Năm 1972, khi đang là sinh viên Khoa Ngữ – Văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Tạ Ngọc Tấn viết đơn tình nguyện ra nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, phục vụ tại tiểu đoàn 169, Trung  đoàn 276 – đơn vị tên lửa phòng không trực thuộc Sư đoàn 361- Sư đoàn Phòng không Hà Nội . Cuối năm 1974, theo đề nghị của báo Quân đội Nhân dân, ông được Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam gửi đi đào tạo biệt phái đại học báo chí tại Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Tháng 6-1979, ông tốt nghiệp đại học báo chí loại xuất sắc và được phong quân hàm Thiếu úy. Theo thỏa thuận giữa Tổng cục Chính trị và Ban Tuyên giáo Trung ương (Cơ quan phụ trách của Trường Tuyên huấn Trung ương lúc đó), ông được chuyển ngành về làm cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương. Vừa làm việc vừa không ngừng học hỏi nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, ông đã theo học tại chức tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội để có bằng cử nhân ngành Ngữ – Văn năm 1984. Năm 1986, ông theo học nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội trực thuộc BCH TW ĐCS Liên Xô. Vượt qua những khó khăn, thử thách bên xứ sở Bạch Dương xa xôi, năm 1990, ông bảo vệ thành công luận án và nhận bằng Phó tiến sĩ chuyên ngành Truyền thông đại chúng. Trở về nước, ông tiếp tục tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Dành nhiều tâm huyết, nỗ lực và phấn đấu không ngừng trong qua trình gắn bó cống hiến tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền, GS.TS Tạ Ngọc Tấn đã đảm nhiệm qua nhiều cương vị quan trọng tại đây như: Phó Trưởng khoa thường trực, Bí thư chi bộ Khoa Báo chí; Phó Giám đốc Học viện; Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Báo chí & Tuyên truyền…Dù ở bất cứ cương vị, vai trò nào từng phụ trách, đảm nhiệm, ông vẫn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó, được đồng nghiệp kính trọng, học trò tin yêu. Với những dấu ấn đóng góp nổi bật trong công tác đào tạo, nghiên cứu, ông được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư ngành văn hóa năm 1997 và học hàm Giáo sư ngành văn hóa năm 2009.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 10 ĐCS Việt Nam, năm 2006, GS.TS Tạ Ngọc Tấn vinh dự được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Đồng thời, ông được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Năm 2007, ông trở thành đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 11 Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 1-2011, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 4-2011, ông được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, ông thường xuyên tham gia Ban chấp hành Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, kiêm nhiệm Trưởng Ban nghiệp vụ, Giám đốc Trung tâm Bổi dưỡng Nghiệp vụ báo chí của Hội. Trong cuộc đời sự nghiệp làm báo của mình, GS.TS Tạ Ngọc Tấn có các bút danh như: Tạ Tấn,  Việt Giang, Thụy Vân, Trường Lưu, Linh Sơn, Nam Sơn, Duy Sơn, Nam Sơn Ký Giả…Sau Đại hội 12, từ năm 2016, GS.TS Tạ Ngọc Tấn được Ban Bí thư Trung ương điều động làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương.
Xuyên suốt chặng đường nghiên cứu khoa học với nhiều dấu ấn đáng tự hào đã qua, GS.TS Tạ Ngọc Tấn tập trung theo đuổi các lĩnh vực nghiên cứu chính là báo chí và truyền thông, lý luận chính trị và văn hóa. Ngoài ra, ông còn giữ chuyên mục thường xuyên cho một số tờ  báo, tạp chí. GS. Tấn chính là người có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng người làm báo ở Việt Nam nói chung, cũng như xây dựng bộ máy tổ chức, nhân sự, phát triển chuyên môn, mở ra các mã ngành đào tạo mới ở bậc ĐH, chủ trì xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo cao học, tiến sĩ ngành báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền và ở Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí thuộc Hội Nhà báo Việt Nam; là người khởi xướng và tổ chức thực hiện chuyên san “Hồ sơ sự kiện” của Tạp chí Cộng sản. Đặc biệt, trong thời gian đảm nhiệm cương vị là Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ông có những cống hiến nhất định cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Đến nay, GS.TS Tạ Ngọc Tấn là chủ biên, đồng chủ biên của nhiều giáo trình, sách chuyên khảo mang giá trị lý luận thực tiễn báo chí quan trọng như: Cơ sở lý luận báo chí; Tác phẩm báo chí tập 1; Hồ Chí Minh về báo chí; Từ lý luận đến thực tiễn báo chí; Tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh; Truyền thông đại chúng trong công tác lãnh đạo quản lý; Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí; Truyền thông đại chúng; Tác phẩm ký Lưu Quý Kỳ; Báo chí – truyền thông hiện đại: thực tiễn, vấn đề, nhận định; v.v.. Trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận chính trị, ông là tác giả, chủ biên và chủ trì chỉ đạo nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam; Góp phần nghiên cứu một số vấn đề phát triển của Việt Nam; Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam- những vấn đề lý luận từ công cuộc đổi mới; An ninh phi truyền thống – những vấn đề lý luận và thực tiễn; Từ điển Hồ Chí Minh học; Tại sao Mác đúng; Những tranh luận mới về chủ nghĩa xã hội; Cương lĩnh 2011 – những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện; Một số vấn đề về cách mạng và đổi mới;v.v.. GS.TS Tạ Ngọc Tấn còn là tác giả của một số tập bút ký, tiểu phẩm: Những nẻo đường hành hương; Ám ảnh những miền đất; Chuông làng báo; Nhìn qua kính nhà mình. Đồng thời, ông cũng là tác giả của hàng trăm bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí uy tín và tham gia các hội thảo khoa học trong nước và nước ngoài.
Ghi nhận những dấu son cống hiến đáng trân trọng của GS.TS Tạ Ngọc Tấn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước đã trao tặng Giáo sư Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng ba, nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khá. Ông cũng được Đảng, Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Itxala.
Chiều 6.8, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026.
Thumb 580 1587721536472
Theo Quyết định của Bộ Chính trị, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021 được cử làm Phó Chủ tịch Thường trực. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách nhiệm kỳ 2016 – 2021, làm Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang, làm Phó Chủ tịch kiêm nhiệm và Tiến sĩ Bùi Trường Giang, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
Ông Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 thay mặt Bộ Chính trị trao quyết định cho những người tham gia Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ mới.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, tại Đại hội XIII của Đảng, công tác lý luận được nhấn mạnh và định hướng rất cụ thể gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trực tiếp là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, lý luận, với yêu cầu cao.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, để phục vụ cho nhiệm vụ to lớn ấy, Hội đồng Lý luận Trung ương phải tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tham vấn về lý luận chính trị, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội đồng Lý luận Trung ương cần chủ động, thể hiện tốt vai trò là đầu mối phối hợp với các cơ sở nghiên cứu, các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy địa phương, các cơ quan và đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận chính trị cả nước trong hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận.
Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tạ Ngọc Nam PCT.HĐHTV-BLSHTVN sưu tầm theo nguồn:www.vietnamhoinhap.vn,
 

Trả lời