Thủ Đức được mang tên người con ưu tú họ Tạ

NGUỒN GỐC TÊN GỌI THỦ ĐỨCCăn cứ vào các di tích và sử liệu còn ghi lại có thể xác định rằng, địa danh Thủ Đức lấy từ tên hiệu “Thủ Đức” của ông Tạ Dương Minh còn gọi là Tạ Huy, một người có công lao với vùng đất này thời mới khai hoang, lập ấp khoảng những năm 1679-1725.
Tương truyền, ông Tạ Huy vốn là thủ lĩnh của thiểu số người Hoa “bài Thanh phục Minh” bị nhà Thanh truy đuổi ráo riết nên lẩn tránh, di cư sang Việt Nam, xin thần phục nhà Nguyễn và tự nguyện làm thần dân nước Việt.
Với chính sách “chiêu dân lập ấp” rộng rãi của triều đình lúc bấy giờ, ông Tạ Huy đã được thu nhận. Tại vùng Linh Chiểu Đông xưa kia, ông đã cùng một số cư dân người Việt, người Champa, người Chân Lạp khai khẩn đất hoang, mở rộng canh tác rồi lập nghiệp.
Để thuận tiện cho người dân buôn bán, ông Tạ Huy cho xây ngôi chợ lớn nằm ở vị trí đẹp, thuận tiện giao thương ở khu vực này và gọi là chợ Thủ Đức – một trong những ngôi chợ lớn và sầm uất của Sài Gòn thời bấy giờ
Để có ngôi chợ bề thế, sầm uất và một Q.Thủ Đức (TP.HCM) trù phú hiện nay có công lớn của bậc Tiền hiền Tạ Huy – Thủ Đức – Tạ Dương Minh, người đã vinh dự được người xưa lấy tên hiệu để đặt cho vùng đất này.
Theo tài liệu của Trung tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích (Sở VH-TT TP.HCM): Linh Chiểu tức Q.Thủ Đức ngày nay là vùng đất gò đồi tương đối cao, nối liền với những vùng sườn tích cổ Bến Gỗ – Ngãi Thắng – Long Bửu – Hội Sơn – Bến Đò – Gò Quéo – Giồng Ông Tố, thuộc nền văn hóa tiền sử lưu vực sông Đồng Nai.
Khoảng thời gian từ năm 1679 đến năm 1725, ông Tạ Huy, tên hiệu là Thủ Đức là một trong những người thuộc nhóm “phản Thanh phục Minh” từ Trung Quốc chạy sang xin được cư trú và được chúa Nguyễn cho phép định cư. Ông Tạ Huy đã cùng với cư dân địa phương hợp sức khẩn hoang, canh tác, chăn nuôi để tự nuôi sống và chống chọi với thú dữ, bệnh tật. Dần dần trung tâm cư trú Linh Chiểu được hình thành và phát triển. Đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, một số lò rèn được xây dựng để làm ra công cụ lao động như lưỡi cày, lưỡi cuốc, lưỡi liềm, rựa. Một số lò đúc đồng tạo ra đồ gia dụng như nồi chảo, bát đĩa, đồ thờ cúng. Các cơ sở mộc thủ công, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng nhà ở, đình chùa mồ mả lần lượt ra đời. Một số làng nghề như trồng dâu nuôi tằm dệt vải, trồng cói, dệt chiếu, làm nem, xe nhang, trồng nấm, chế biến trà… phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng “ăn nên làm ra”.
Hàng hóa dồi dào, giao thương buôn bán ngày càng tăng nên ông Tạ Huy đứng ra xây dựng chợ Thủ Đức, bên rạch Cầu Ngang nối liền với sông Sài Gòn, thuận tiện cho ghe thuyền vào bến, hình thành các vựa cá tôm cua, nấm khô đặc sản, hoạt động mua bán tại chợ diễn ra nhộn nhịp và sôi động.
Sách Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của tác giả Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1909 ca ngợi công lao của ông và việc người dân lập mộ:
“Thủ Đức chợ nhóm rất đông
Hai bên phố xá chánh trung nhà làng
Đình thần vén khéo nghiêm trang
Thưởng niên tế tự kỷ cang kinh thành
Dẫu xưa chữ nghĩa học hành
Nay hãy để dành khí tập phong thinh
Thuở xưa ông Tạ Dương Minh
Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu rày
Mả người cải táng mới đây
Bởi làng xin bạc đổi xây mộ phần
Quan trên niệm nghĩa thi ân
Cho ba trăm rưởi trùng tân giai thành
Hương chức ở rất hậu tình
Mỗi năm ngày kỵ xanh quanh tới đều
Nam phụ lão ấn dập dìu
Hương đăng trà quả mỹ miều khiết tinh
Miếu đề chữ Tạ Dương Minh
Cất riêng ra chỗ một mình quy mô
Đã tu miếu lại đắp mồ
Mỹ tai nhơn lý thanh hồ nghĩa Phong…”.
NGÔI ĐÌNH GẦN 200 TUỔI THỜ NGƯỜI SÁNG LẬP RA THỦ ĐỨCLinh Dong 1
 Đình Linh Đông xây dựng năm 1823, thờ ông Tạ Dương Minh, người khai hoang lập ấp vùng đất Thủ Đức vào khoảng thế kỷ 17. Đình Linh Đông được xây dựng năm 1823, nay nằm trên đường Chương Dương, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức. Đình toạ lạc trên một gò đất cao, có diện tích gần 2.500 m2.
Ngoài thờ thần hoàng làng, ngôi đình còn là nơi hương khói ông Tạ Dương Minh, người có công khai phá vùng đất Thủ Đức. Ông có hiệu là Thủ Đức, thủ lĩnh của thiểu số người Hoa “bài Thanh phục Minh” di cư sang Việt Nam.
Buổi đầu, kiến trúc đình Linh Đông có thể được xây dựng với quy mô nhỏ và bằng các vật liệu nhẹ. Thời gian sau, kiến trúc đình có sự thay đổi ngày càng khang trang, tôn nghiêm hơn với tường gạch, mái ngói, kết cấu gỗ. Mặt tiền đình quay về hướng Đông – Nam, xây dựng theo dạng chữ Tam gồm các công trình như tiền điện, trung điện, chính điện, nhà khách, sân đình…
Sân đình rộng, ở chính giữa là bức bình phong khắc hoạ hình tượng rồng và hổ; hai loài vật phổ biến trong đời sống dân gian của người Việt.
Các gian của đình Linh Đông lợp mái ngói âm dương xếp san sát nhau. Trên nóc chánh điện có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh, kiến trúc thường thấy ở đình làng Việt Nam.
Mặt trước của chính điện có tông màu vàng, đỏ quen thuộc trong kiến trúc đình làng Nam Bộ. Chính điện xậy theo kiểu tứ trụ với 32 cột gỗ chống đỡ toàn bộ mái đình. Hệ thống cửa của đình trước kia cũng làm bằng gỗ nhưng nay thay bằng sắt do bị mối mọt, mục nát, hư hỏng kết cấu.
Bên trong chính điện là các bàn thờ được bài trí đăng đối nhau với vị trí trung tâm là khám thờ Thần Hoàng. Đặc biệt đình còn lưu giữ sắc phong do vua Tự Đức ban cho vào năm 1853.
Tiền điện dựng tượng ngựa và tượng hạc đứng trên lưng rùa thường thấy trong đình chùa Việt Nam. Ngựa là loài vật quen thuộc thường gắn liền với sự mở mang, bảo vệ bờ cõi của các danh tướng thể hiện sự dũng mãnh, kiên cường. Cả rùa, hạc đều là linh vật cao quý, sống thọ, thể hiện cho khát vọng trường tồn của con người.
Đình còn nhiều hiện vật quý được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng, hệ thống cột kèo, hoành phi, câu đối… được chạm khắc tinh tế.
Ngôi đình sau nhiều lần trùng tu vẫn giữ được cơ bản kiến trúc cổ ở miền Nam thế kỷ 19. Một số vật dụng trong đình, nhất là sắc phong, vẫn được gìn giữ cẩn thận”.
Hàng năm, đình Linh Đông tổ chức lễ chính mang tên Kỳ Yên, diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng 10 âm lịch nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu. Ngoài ra, đình còn tổ chức lễ Thượng Nguyên (15 tháng Giêng), lễ Trung Nguyên (15 tháng 7) và lễ giỗ Tiền hiền Tạ Dương Minh vào ngày 19 tháng 6 âm lịch.
BÍ MẬT NGÔI MỘ CỔ CỦA TIỀN HIỀN TẠ DƯƠNG MINH“Thuở xưa ông Tạ Dương Minh
Lập chợ Thủ Ðức tại Linh Chiểu rày
Mả người cải táng nơi đây
Bởi làng xin bạc đổi thay mộ phần
Quan trên niệm nghĩa thi ân
Cho ba trăm rưỡi trùng tân giai thành…”
Us1 740x375
Cách đình Linh Đông hơn 500 m là mộ của Tiền hiền Tạ Dương Minh. Nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo đường số 10 (phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức), khu mộ đá của Tiền hiền Tạ Dương Minh rộng hơn 110 m2 và đã hơn 120 năm tuổi. Nấm mộ có hình “ngưu miên” – tức trâu nằm ngủ (có người cho là voi phục). Đây là một trong ba cổ mộ ở Sài Gòn được công nhận di tích cấp thành phố.
05c4010806abc8f591ba
Một số nghiên cứu về lăng mộ ở Việt Nam nói rằng, kiến trúc mộ hình trâu nằm ngủ hay voi phục đều gắn liền với người Việt gốc Hoa. Điều này được minh chứng bằng hàng loạt các khu lăng mộ ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) hay ở Sài Gòn, Hà Tiên… Ngôi mộ có diện tích khoảng 15m2, xây theo kiến trúc theo hình voi phục, có hai vòng tường trong ngoài bao quanh; nằm giữa một con hẻm trong khu dân cư. Gắn liền phần chân mộ là tấm bia đá granit khắc 37 chữ Hán với nội dung:
Dịch nghĩa :
Tấm bia bằng đá xanh cao khắc 37 chữ Hán (chữ Nho), ghi nội dung: Nước Đại Nam. Mộ ông họ Tạ, tên húy là Huy, tên hiệu là Thủ Đức, là Tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông. Mất ngày 19 tháng 6. Hương chức thôn Linh Chiểu Đông lập bia mộ vào ngày tốt tháng 2 năm Canh Dần (1890). Mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh do hương chức thôn Linh Chiểu Đông cải tang.
Để  tưởng nhớ và tri ân công đức của Tiền hiền TẠ DƯƠNG MINH đối với  vùng đất Thủ Đức ; người có công lớn đối với việc khai khẩn, phát triển của vùng đất Thủ Đức thuở mới lập ấp, sơ khai ban đầu. Ngày 27 tháng 07 năm 2007, UBND TP.HCM đã cấp bằng xếp hạng khu quần thể lăng mộ Tiền hiền TẠ DƯƠNG MINH là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố . Đây là điều rất vinh dự cho người dân TP Thủ Đức nói riêng và bà con họ Tạ cả nước nói chung .
Phần mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh ( Tạ Huy ) tọa lạc ở phía trước số nhà 19/1, đường số 10, P.Linh Chiểu,TP.Thủ Đức. Ngôi mộ cổ sau khi trùng tu vẫn ít người biết đến. Kiến trúc nghệ thuật mộ cổ 126 năm. Đây là một trong 3 ngôi mộ cổ nhất Tp.HCM
TRI ÂN NGƯỜI CÓ CÔNG KHAI PHÁNgày 9/12/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về việc sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Sau khi thành lập, TP. Thủ Đức có diện tích trên 211 km2 với quy mô dân số hơn một triệu người; nằm giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.
  1. Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
  2. ảnh 1
Tạ Ngọc Nam – BLSHTVN sưu tầm và biên soạn 07-05-2021

Trả lời