Năm 2022 là một năm với khối lượng công việc rất lớn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, với tinh thần chủ động, quyết tâm, chuẩn bị vấn đề từ sớm, từ xa, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong năm 2022 được đảm bảo. Trong năm 2023, hoạt động của Ủy ban tiếp tục tập trung vào các nội dung về văn hóa, giáo dục và trẻ em…
Phóng viên: Trong năm 2022, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đã có rất nhiều hoạt động sôi nổi. Nhiều hoạt động lập pháp, giám sát, các hoạt động, sự kiện thường niên, hội nghị, hội thảo đã được Ủy ban triển khai, tổ chức. Ông có bình luận gì về hoạt động của Ủy ban trong một năm qua?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ: Trong năm 2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức, triển khai rất nhiều hoạt động. Thường trực Ủy ban tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra; chủ trì thẩm tra các kiến nghị về xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội;…
Trong 6 tháng đầu năm 2022, điểm nhấn đáng chú ý là Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan hoàn thiện Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 với sự đồng thuận cao với mục tiêu nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa – xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đã tổ chức thành công các hội thảo, diễn đàn lớn như: Hội thảo “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển”; Diễn đàn thanh niên năm 2022 với chủ đề “Đào tạo nghề cho Thanh niên”; Hội thảo về phòng, chống đuối nước trẻ em…
Đặc biệt, tháng 12 vừa qua, Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban chủ trì phối hợp với với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức tại thành phố Bắc Ninh, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhân dân và cử tri cả nước. Đây là Hội thảo lớn nhất về văn hóa mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục từng chủ trì tổ chức, mới quy mô tầm cỡ quốc gia với mong muốn tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; tạo diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước thảo luận làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Bên cạnh đó, trong năm qua, Ủy ban cũng thực hiện một số nội dung giám sát, khảo sát chuyên đề: Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet”; Khảo sát “Việc thực hiện chính sách phục hồi, mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới”; Khảo sát “Về tự chủ đại học và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học” tại các cơ sở giáo dục đại học tại Hà Nội; Báo cáo một số kết quả, nhận xét việc thực hiện chính sách, pháp luật về tự chủ và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; Khảo sát “Về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống đuối nước trẻ em” … Các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát, báo cáo tổng thuật và đề xuất, kiến nghị từ các Hội thảo đều được gửi tới các Đồng chí Lãnh đạo Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội thành viên Ủy ban và các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Nhìn chung, công việc trong năm qua rất lớn, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tập thể Ủy ban, Vụ phục vụ chuyên môn đã nỗ lực triển khai, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.
Phóng viên: Cuối năm 2022, Ủy ban đã tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” và Hội thảo “Phòng, chống đuối nước trẻ em” thu hút sự quan tâm lớn của truyền thông cả nước. Ông thể chia sẻ rõ hơn về sự thành công và ý nghĩa của 2 hội thảo này?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ: Như tôi đã đề cập, Hội thảo Văn hóa 2022 là một trong những thành công nổi bật của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong năm qua. Tham dự Hội thảo có rất nhiều đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, trong đó có 5 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 4 đồng chí Lãnh đạo Quốc hội; 27 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, 6 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 13/18 đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 5 đồng chí Bộ trưởng/trưởng ngành, 7 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; 10 đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; 19 Phó trưởng Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; 25 Thứ trưởng và tương đương… Sự có mặt đầy đủ của dàn lãnh đạo cấp cao cho thấy sự quyết tâm khơi dậy và tập trung phát triển văn hóa trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là từ các cơ quan trung ương.
Hội thảo còn quy tụ tới 110 chuyên gia, nhà khoa học; 9 cơ sở nghiên cứu, đào tạo văn hoá nghệ thuật trong cả nước; đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế. Số lượng đại biểu tham dự trực tiếp đến từ 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó là rất nhiều đại biểu trực tiếp làm công tác văn hoá và có liên quan đến lĩnh vực hết sức quan trọng này. Có 2.000 đại biểu theo dõi trực tuyến tại các điểm cầu trong cả nước, trong đó có những điểm cầu lên tới 600 – 700 người. Con số hơn 100 tham luận với nhiều bài chất lượng, đã phần nào phản ánh sự quan tâm rất lớn đối với các vấn đề được bàn luận tại Hội thảo và văn hóa nói chung.
Lâu nay chúng ta thường coi văn hóa là nhiệm vụ của ngành văn hóa, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng thực tế lĩnh vực nhiều vấn đề của lĩnh vực văn hóa hiện nay liên quan đến nhiều các bộ, ngành khác như Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ… và các địa phương. Hội thảo đã đem đến bức tranh tổng thể về văn hóa để khi hoạch định chính sách sẽ toàn diện, đồng bộ hơn, từ đó thực hiện sẽ hiệu quả hơn; tập trung trí tuệ, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, chính sách cũng như nguồn lực đầu tư cho văn hóa… Từ cơ sở chính trị, cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn ấy, Hội thảo đã đề xuất, kiến nghị những khung chính sách lớn, tạo ra tiền đề, động lực để văn hóa, công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ hơn và bền vững hơn.
Phát biểu Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa cần làm ngay rất sát thực, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, ghi dấu thành công của Hội thảo.
Về Hội thảo Phòng, chống đuối nước trẻ em, đây cũng là nội dung mà Ủy ban chuẩn bị trong chương trình hoạt động 6 tháng cuối năm, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em đối với những vấn đề cử tri, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm; cũng là để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; thực hiện giám sát và đánh giá việc thực hiện các quy định về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016.
Qua các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội thảo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng như Bộ Lao động- Thương binh và xã hội đã lĩnh hội được rất nhiều nội dung, cách làm hay, mô hình hiệu quả, bài học thiết thực, cụ thể. Đặc biệt, các ý kiến đã làm rõ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; đề xuất những cơ chế, phối hợp thực hiện cụ thể. Trên cơ sở đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp thu và cụ thể hóa các nội dung bảo vệ trẻ em trong chương trình hoạt động, công tác tham mưu của Ủy ban năm 2023.
Phóng viên: Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc; giáo dục, trẻ em là tương lai đất nước. Đây là những vẫn đề luôn được dư luận đề cao và quan tâm. Xin ông cho biết, thời gian tới Ủy ban dự kiến có những hoạt động gì xoay quanh những vấn đề này?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ: Trong năm 2023, hoạt động Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chúng tôi dự kiến tiếp tục tập trung vào các nội dung về văn hóa, giáo dục và trẻ em.
Bên cạnh việc triển khai các hoạt động thường niên; tham gia cho ý kiến vào các dự án luật do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV, Ủy ban sẽ chủ trì thẩm tra các kiến nghị về xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; thẩm tra dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2023-2025; tham mưu, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện các quy định của Luật Trẻ em.
Về hoạt động giám sát, khảo sát, Ủy ban dự kiến chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trong tổ chức triển khai các hoạt động; xây dựng các dự thảo báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và Nghị quyết giám sát chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023.
Bên cạnh đó, tổ chức giám sát tổng hợp việc thực hiện chính sách, pháp luật về các lĩnh vực Ủy ban phụ trách tại khu vực Đông Nam bộ (tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương).
Ủy ban dự kiến tổ chức giám sát 04 chuyên đề thuộc các lĩnh vực Ủy ban phụ trách, cụ thể: Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ”; Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đội ngũ nhà giáo” (phục vụ chủ trì thẩm tra dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo); Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em”; Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản”.
Trong năm 2023, chúng tôi dự kiến cũng sẽ tổ chức khảo sát 04 chuyên đề gồm: Khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa”; Khảo sát “Về hoạt động của mô hình thanh niên xung phong hiện nay”; Khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường”; Khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo”.
Đồng thời, Ủy ban dự kiến tổ chức Hội thảo chuyên đề “Văn hóa đọc, xuất bản phẩm và nhu cầu học tập suốt đời trong Kỷ nguyên số”; Hội thảo về giáo dục Đồng bằng Sông Cửu Long; Hội thảo về bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; Hội thảo (Diễn đàn) về xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em trẻ em dưới 6 tuổi …
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Phương
Theo báo: quochoi.vn số ra ngày 23/01/2023