Theo sách “Đại Việt địa dư toàn biên” do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu biên soạn có ghi: “Diễn Châu Long Trì quận, trước là quận Trung Nghĩa, lại gọi là quận Diễn Thủy. Năm Trinh Quán, bỏ Quảng Đức, cắt đất Hoan Châu đặt làm Diễn Châu… có 7 huyện Trung Nghĩa, Long Trì, Vũ Lang, Vũ Kim, Hoài Hoan, Tư Nông, Vũ Dung”. Kết hợp với các bộ quốc sử và tư sử: “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Nghệ An ký”, các nhà khoa học tại cuộc toạ đàm khoa học ngày 11/9/2005 đã nhất trí cho rằng có đủ cơ sở khoa học để xác định chắc chắn tên gọi Diễn Châu được xuất hiện vào năm Trinh Quán thứ nhất đời Đường Thái Tông (627).
Diễn Châu là vùng đất cổ; thuộc bộ Hoài Hoan từ thời Hùng Vương, nhưng đến năm 627, cái tên Diễn Châu mới chính thức xuất hiện trong lịch sử đất nước. Địa vực có lúc rộng lúc hẹp, nhưng ngay từ khi xuất hiện năm 627, Diễn Châu đã đóng vai trò là một đơn vị hành chính cấp châu, và trải qua nhiều triều đại kế tiếp từ đời thuộc Đường đến các triều đại tự chủ như Khúc (905 – 923), Dương (931 – 938), Ngô (938 – 965), Đinh (968 – 980), Tiền Lê (980 – 1009), Diễn Châu vẫn đứng độc lập là một châu riêng biệt.
Như vậy, địa danh Diễn Châu có từ năm 627, tuy địa vực có thay đổi từng thời kỳ nhưng vẫn như hình với bóng với Hoan Châu. Hoan Châu là đổi từ Đức Châu ra. Đức Châu có từ thời nhà Lương (502 – 507) chia từ Cửu Đức ra. Cửu Đức vốn là được đặt ra từ thời Ngô (220 – 280) tách từ quận Cửu Chân đời nhà Hán. Diễn Châu đời Hán là đất huyện Hàm Hoan, đời Đường là huyện Phủ Diễn và An Nhân, lại đổi là Diễn Châu, đời Lý, Trần – là lộ Diễn Châu, đời Lê Quang Thuận (Thánh Tông đổi làm phủ Diễn Châu thuộc thừa tuyên Nghệ An lãnh hai huyện Đông Thành và Quỳnh Lưu, năm Minh Mạng thứ 18, đặt thêm huyện Yên Thành (tức lãnh ba huyện: Đông Thành, Quỳnh Lưu, Yên Thành).
Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ thể là sau kháng chiến chống Pháp, năm 1954, lỵ sở Diễn Châu, lúc này là huyện, mới chuyển về ngã ba Diễn Châu. Lúc đầu gọi là huyện lỵ, ngày 23/2/1977, theo Quyết định số 619 VP/CP của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng mới gọi là thị trấn.
II.CÔNG THẦN KHAI CƠ LẬP ẤP-TƯỚNG CÔNG TẠ CÔNG LUYỆN
Triều Lê, khi ổn định nước nhà, mở mang bờ cõi, đã có nhiều công thần góp sức cả văn lẫn võ. Tạ Công Luyện là một trong những công thần đó. Lê Thánh Tông cử binh đánh Chiêm, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn, và hàng vạn tù binh Chiêm Thành, trong chuyến thân chinh đó, Tạ Công Luyện đã sát cánh cùng vua Lê Thánh Tông lập nên chiến công hiển hách.
Trà Toàn sau khi lên ngôi kế thế Trà Duyệt, đã sai sứ thần cầu viện nhà Minh, đem quân đánh úp Hóa Châu, vì thế, vua Lê Thánh Tông quyết định đánh chiếm Chiêm Thành, sáp nhập vào Đại Việt. Năm 1470, vua giao cho Tạ Công Luyện thống lĩnh quân đội.Tháng 3/1471, kinh đô Đồ Bàn thất thủ, hơn 30 ngàn người bị bắt, trong đó có vua Trà Toàn. Tướng Chiêm là Bô Trì Trì cử sứ đến cống nạp triều Lê và xưng thần với Đại Việt. Từ đó, vua Lê đã Việt hóa dân Chiêm và tiếp tục mở mang bờ cỏi về hướng Tây. Sau những thắng lợi đó, vua đã ban thưởng cho các quan văn võ một cách tương xứng. Một minh quân tài ba và kiến thức uyên bác, có tinh thần văn chương; bộ luật Hồng Đức là bộ luật thành văn đầu tiên của dân tộc ta cũng được phát sanh từ thời đó. Tạ Công Luyện đuợc vua sắc phong cho danh hiệu: “ Tướng Công Khâm Mệnh Luyện Khê Hầu”, cuối năm 1471, được vua giao Phó sứ đồn điền, với nhiệm vụ di dân lập ấp, khai hoang từ Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên đến Nghệ An để bình định cư dân và sản xuất quân lương cho vương triều. Ngài chọn phía Tây Nam, Diễn Châu đặt bản doanh để lập trang trại. Được Triều Lê đặt cho tên là “ Đồn Điền Biệt Sở Tộc” Triều Nguyễn ban cho là “ Lạc Sở Thôn Bút Điền Xã”. Với sự khai khẩn trong 10 năm, đã lên 400 mẫu, thu hút các tộc họ Nguyễn,Trần, Võ Trương… đến lập nghiệp, biến nơi nầy thành mãnh đất trù phú từ Diễn Cát đến Diễn Lợi. Ngoài ra còn một số nơi khác chưa kể đến.
Với công trạng lúc thời chiến đem lại thắng lợi, vào thời bình đem lại an cư lạc nghiệp cho nhân dân, nên khi Tạ Công Luyện qua đời vào ngày 05/4/1510, triều đình cho quốc sư địa lý đến tìm đất mai táng tại Diễn Thọ. Triều đình cũng sắc phong là “Bổn Cảnh Thành Hoàng”, “Phó sứ Luyện Khê Hầu Dũng Lượng Danh uy”, “Gia tặng Thành Hoàng Tuấn Lương Dực Bão Trung Ứng Tôn Thần”. Đến thời Bảo Đại sắc phong “Thượng Đẳng Thần”. Hậu duệ được vua Minh Mạng sắc tứ “Hiếu Hạnh Khả Phong”. Qua các triều đại đều tán dương công trạng của Tổ Tạ tiên sinh. Tổ đường và Lăng mộ được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa.
Năm 1818 tổ đường đặt ở phía Nam làng sở. Đến 1872 dời về phía Tây làng sở. Năm 1937 gồm 7 tòa nhà, nhưng năm 1945 bị trưng dụng một số cho cuộc chiến. Sau ngày hòa bình. 1989, giòng Tộc Tạ khôi phục; hàng năm giổ thần tổ vào rằm tháng giêng. Ba năm một lần, do xã tổ chức lễ Thành hoàng bổn cảnh. Năm 2002 khánh thành trùng tu quần thể đền thờ diện tích 2000m2. Giòng tộc Tạ truyền đến đời thứ 19. Trải qua quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, con cháu họ Tạ nơi đây cũng theo tiếng gọi của Đảng, non sông và có những người con vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường…thì ngày nay chính trên quê hương Diễn Cát-Diễn Châu-Nghệ An cũng không thiếu người thành đạt trong xã hội và ở nước ngoài. Chính vì thế mà những hậu duệ hiếu thảo đã không ngần ngại bỏ ra hàng tỷ đồng để mua đất khôi phục quần thể di tích mộ thành tổ Tạ Công Luyện. Những người con họ Tạ có tính cộng đồng và giàu lòng nhân hậu, biến thành truyền thống của nhân dân xứ Nghệ. Chị Tạ Phạm Bích Thủy ( Việt Kiều Cộng Hòa Séc ) đã phát tâm 20 tỷ để xây Đền nơi chính quê hương mình; việc làm này thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của cha ông ta ” uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự tri ân đối với tổ tiên.
Trong thời chiến, từ đường tộc Tạ và các nhà thờ kito vẫn còn duy trì được cơ sở vật chất, trong khi đó, trên 400 ngồi chùa hoàn toàn bị xóa sổ theo chiến dịch cải cách ruộng đất, làm gương đầu tiên trên quê hương Bác.
Nghệ An là một trong những tỉnh lớn nhất nước, thuộc Bắc Trung Bộ. Danh từ Nghệ An xuất hiện từ năm Thiện Thành thứ 2 đời Lý Thái Tông(1030) thay cho Hoan Châu. Nghệ An cũng là vùng đất được Quang Trung chọn làm nơi dưỡng quân, luyện tập, chiêu nạp binh mã để thần tốc ra đánh quân Thanh năm Kỷ dậu, một chiến tích và địa danh vang dội: Ngọc Hồi, Đống Đa (1789). Nghệ An cũng dấy lên phong trào chống Pháp đứng hàng đầu cả nước như phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh (1930-1931). Vua Quang Trung có ý định chọn Nghệ An làm kinh đô tương lai của Tây Sơn nên gọi là Trung Đô. Ở thành phố Vinh còn Phượng Hoàng Trung Đô, lưu dấu của Tây Sơn.
III.PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG
Với bề dày về quá trình hình thành và phát triển, luôn đi đầu trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng CNH – HĐH, phát huy gìn giữ nghề truyền thống. Đồng thời phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực tạo cơ chế thông thoáng thu hút các dự án đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đến nay Diễn Châu đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Hiện nay, địa bàn huyện có 9 dự án lớn do doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.500 tỷ đồng, đã thực hiện trên 1.000 tỷ đồng. Toàn huyện có 475 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hơn 6.000 hộ kinh doanh cá thể, góp phần chuyển dịch, phát triển kinh tế và giải quyết việc làm hàng năm từ 4.500 đến 5.000 lao động. Hàng năm, các doanh nghiệp nộp ngân sách bình quân trên 50 tỷ đồng.
Cùng với đó là các khu du lịch biển, du lịch sinh thái đang hình thành và phát triển tiêu biểu như biển Diễn Thành, Hồ Xuân Dương, Khu sinh thái Diễn Lâm. Xuất hiện các vùng đô thị mới, hệ thống đường giao thông, kênh mương, mạng lưới điện được đầu tư xây dựng rộng rãi, khang trang. Đời sống văn hóa được gìn giữ và phát huy, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết.
Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) trở thành phong trào có sức lan tỏa, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Tính đến giữa năm 2017 đã có 17/38 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Nhiều năm liền Đảng bộ huyện Diễn Châu đạt trong sạch, vững mạnh. Là huyện dẫn đầu tỉnh trên nhiều lĩnh vực: số xã đạt chuẩn NTM đứng vào tốp đầu tỉnh; nhiều năm liền là lá cờ đầu về sự nghiệp giáo dục cả về chất lượng và phong trào xây dựng chuẩn quốc gia; là huyện có số xã đạt chuẩn mức độ 2 về y tế cao nhất tỉnh; quốc phòng – an ninh giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…
Tự hào là vùng đất “cổ” được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều lợi thế, người dân cần cù, chịu khó, cùng với truyền thống hiếu học…Tất cả những thuận lợi đó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của vùng đất Hoan Châu xưa, Diễn Châu nay; nơi gắn chặt với chiều dài lịch sử của mảnh đất địa linh nhân kiệt-nơi tướng công Tạ Công Luyện đã khai cơ lập ấp cho đến nay. Tên ông đã được đặt tên đường gần chợ Vinh-Tp.Vinh ngày nay. Thật tự hào là người con họ Tạ-Diễn Cát-Diễn Châu-Nghệ An đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển vùng đất Diễn Châu ngày càng thịnh vượng.
Tạ Ngọc Nam-PCT.HĐHTVN-BLSHTVN biên soạn ngày 22/06/2022