NƯỚC MẮT CỦA RỪNG
Ở đây, 20 năm trước trẻ con vẫn đọc câu “nước Việt Nam rừng vàng biển bạc”. Cái thực tế được chứng minh rõ rệt. Trẻ con kiếm củi chăn bò, mẹ hái măng, hái rau rừng, xúc cá ven suối. Bố đưa trâu lên rừng kéo gỗ, lấy mật ong. Đi từ sáng sớm, đùm cơm, bi đông nước, tối mịt mới về. Ở xóm này chỉ có người chết vì băng huyết, vì sinh khó, vì sốt rét chứ chưa thấy ai chết vì đói.
Cái tuổi thơ ấy trôi qua nhanh, cái bìa rừng cứ xa tít tắp. Lâu lâu có người đi lạc trong rừng được trâu đem về, có người bị Fulro bắn chết khi đang kiếm lá thuốc trong những cánh rừng ấy. Sống bám rừng, chết cũng nằm xuống gần những gốc cây ven rừng. Lớn lên chút nữa thì dân đi kinh tế mới đông hơn, cánh rừng trở nên xa hơn, mãi bên kia ngọn suối. Trường học cũng được dựng gần rừng, lớp học 15 đứa từ lớp 1 đến lớp 3, có cô giáo nói giọng Nghệ Tĩnh làm tức mắt mấy anh chàng thợ rừng, thợ săn xa vợ.
Là xóm người Kinh duy nhất nằm gần bìa rừng, dân cư thưa thớt với vài chục hộ, hầu hết đều là những người trẻ mạnh khỏe. Đàn bà đẻ nhiều. Đàn ông họ lập phường hội sắm xe thồ đi kiếm gỗ. Đến kiếm ăn từ những vùng quê khác nhau nên người dân cũng đùm bọc nhau, lâu lâu lại có hộ gia đình nào đó rủ thêm bạn bè anh em đồng hương ở quê vào, mang cả vợ con nên xóm Trái càng ngày càng đông đúc. Đám đàn ông đi thồ gỗ, lúc đầu họ chỉ thồ gỗ hương, trắc cho phường buôn rồi cả gỗ dỗi, chò chỉ. Sau khi ý thức được sự bóc lột và trả công rẻ mạt họ tự sắm rìu, cưa vào tận nơi đốn, đẽo rồi thồ về bán, công nhọc hơn một chút nhưng bù lại họ có đồng ra đồng vào. Họ nhận tiền, uống rượu và ngày mai lại như thế. Ngày qua ngày, xóm Trái đông hơn, cả trẻ con và người lớn. Những chuyến đi rừng 1 ngày thưa dần, người ta đi 2,3 ngày mới về. Bán. Nghỉ ngơi. Sắm chuyến và đi tiếp. Hành trang là những hộp nhựa đựng ớt ngâm nước mắm, những can 5 lít thịt heo với muối trắng phớ, những đôi dép rọ, những bộ quần áo bộ đội treo lủng lẳng trên những cọc thồ. Là những người trẻ nên họ hăng hái lắm. Có người sau 1 chuyến dư dăm ba trăm, đủ mua cho con mới sinh hộp sữa Rồng vàng, đứa trẻ lớn đôi dép nhựa, bộ quần áo. Nhìn đứa trẻ háo hức nhận đồ mới, bố nó cũng hăm hở lên đường và tiếp tục sinh ra những đứa con khác mang dư vị rừng.
Dạo ấy người ta rộ lên gỗ pơmu, nghe nói cánh rừng K5 này Pơmu nhiều lắm, người ta đưa mẫu lá lên cho phường thợ rừng. Cây gỗ quý này mọc ở độ cao cả nghìn mét, lá xanh đậm, gỗ có vân đẹp mê hồn và mùi thơm đuổi được muỗi. Người ta đi băng rừng tìm rồi kháo nhau, có, có, mà làm đến đời cháu vẫn không hết. Chỉ cần trèo lên cây to, gióng mắt nhìn chỗ nào có cây pơ mu là nó mọc từng đám, có màu xanh khác hẳn. Người ta hạ, đốn rồi đẽo thành mặt có bản to có khi là 60-70 phân rồi thồ qua cả chục ngày đường mới về đến nhà. Những con dốc tên Đỏ, lán Cáo, bãi Nai ngày xưa xa thế mà giờ trở thành niềm mơ ước. Có người khi đi vợ mang bầu, đến khi thồ được gỗ về thì con đã tập lật. Giá bán pơmu nghe đâu cũng cao lắm và chỉ còn Tây Nguyên là có nhiều. Thợ rừng khá hơn thì các phường buôn gỗ giàu trông thấy, người ta buôn xuống cảng Quy Nhơn, chung chi xong xuôi thì lời 1 chuyến cả chục cây vàng thời đó. Chủ gỗ này, báo phường gỗ kia và họ kéo quân về làm cho mình, cánh thợ rừng chia ra thành dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…Đường vào rừng cứ như trẩy hội. Rầm rầm. Có hôm, người ngủ ở dưới, ông Ba mươi lơ thơ đi trên đầu nhưng trăng vẫn sáng và chiếc xe Dream lùn, Angle trở thành mơ ước nên nhắm mắt, nín thở cho ông đi qua.
Tiền nhiều, sống chung thành đàn. Đàn ông có vợ gửi cho con, cho vợ đong gạo ở quê, còn đám thanh niên đổ vào bài bạc, đề đóm. Chả biết đứa nào thắng nhưng thằng nào cũng nhận là mình đã bay mất chuyến gỗ 2 tuần mà bán được giá. Số tiền kiếm được gửi ra ngã ba Gia Trung cho các em ở quán Hoa Đào có cặp mông căng nẩy, chỉ cần vỗ vào đó một cái thôi là da tay mát rười rượi. Đám đàn ông thợ rừng xa vợ lâu ngày. Đám thanh niên mới lớn tò mò, sung sức cứ vục mặt vào ngực các em, các chị ấy mà hít lấy hít để cho lại sức, cho đã mắt, cho nhẵn túi tiền. Chuyến trước ứng tiền chuyến sau, để tiêu, để chủ gỗ giữ công, lợi đôi bên. Người ta ví “lương” của đám thợ rừng như kinh nguyệt của đàn bà, háo hức, 1 tháng đến 1 lần, không quá 3 ngày thì sạch sẽ. Họ lại hăng hái vào rừng. Chẳng biết bao giờ mới hết gỗ mà lo, cứ hưởng thụ cho quên đi những ngày nhọc nhằn, có chuyện, có gái kể khoác với nhau khi nằm chung võng trong cơn mưa rừng.
Năm năm, cái thời gian chưa dài để lấy đi sự sung sức trong thằng đàn ông cường tráng. Họ phải đi hơn 1 tháng, mãi tận Kon Pne, Kon Lông, nhưng về đổ gỗ ở Mang Yang vì nghe đâu trại bản doanh của KonKaKinh nằm ở dưới Kbang, không thoát ra được. Của khó người khôn. Một người chết người ta làm bàn thờ để cúng kiếng qua đường, nhưng có bận 3 người bị cây đè chết một lúc, tháng Chạp năm đó nơi bãi Sình nhóm 7 người Tày ăn nấm thì 6 người chết tím đen mấy ngày sau người ta phát hiện ra thì đã hôi thối. Cánh rừng pơmu bớt xanh thì phải đổi đến ngót nghét bốn chục mạng với vô số lý do dở người. Uống rượu say ngã suối chết, trúng gió chết, chém nhau chết, gỗ đè chết, có người về cách nhà 1 quãng thì bị con suối Ayun nhấn chìm tìm ra xác anh ta khi quạ đã kéo đến hàng bầy. Gỗ khai thác càng đắt giá thì cánh thợ rừng càng có giá, rượu đưa vào tận nơi với giá gấp 20 lần mà bao nhiêu cũng hết, dịch vụ em út cũng gùi đến tận lán với bà chủ có cuốn sổ ghi tên băng, tên chủ gỗ hẹn ngày về thanh toán. Có anh nọ buổi chiều bị ướt mưa, mắc cảm rừng, tối sang lán các em giải mỏi, lâm trận rồi gục trên bụng của ả kia, ả khiếp, từ đó tạm biệt rừng rồi không biết đi đâu và làm gì?
Mưa rừng qua bao nhiêu mùa vẫn ẩm dột, chị em Giang lớn lên, mơn mởn nhưng chưa thấy ai đi rừng nhiều mà giàu. Bố Giang nổi tiếng siêng năng xốc vác mà cũng chỉ nuôi đủ 5 chị em Giang và bà vợ chuẩn bị sinh con thứ 6. Cần mẫn nhưng đi đêm nhiều có ngày gặp ma. Bố Giang bị cây đè vỡ xương bánh chè, phát hiện muộn quá người ta cưa gần hết chân phải. Ông chống gậy bán cho hội thợ rừng đẩy gỗ ngang qua nhà từng bịch nước mía. Bà vợ 6 con nhưng phây phây nghe nói có ngủ với lão buôn gỗ bụng phệ mấy bận, ông có nghe nói bóng gió nhưng không làm được gì khi sức trai đổ cả cho rừng và vắt kiệt cho 6 đứa con ấy. Tóc ông bạc gần hết vì có lẽ sau hơn 10 năm ngấm đủ nước mưa rừng, còn đâu dáng vẻ nhanh nhẹn của chàng thanh niên khiến cô giáo dạy “đa cấp” kia đổ ngang đổ dọc và xin tạm đứa con cho bớt hiu quạnh trong cơn mưa rừng chiều (lão chém gió thế).
Nhưng …ông thấy mình may mắn vì còn nhìn thấy cuộc đời, ít ra là may hơn những kẻ phải nằm trong chăn, gói trong chiếu bê bết máu được cáng ngang qua nhà ông những buổi chiều muộn. Ông nói đùa, “có thằng bé mới lớn, quê tận Nghệ An, vào đi rừng nấu cơm phụ với chú, vấp phải cọc chống xe thồ gỗ, bị gỗ đè, cáng ngang qua nhà ông thì chết. Tối trước khi chết hắn còn nói hắn chưa bao giờ thấy ngực con gái mới lớn, nghe mấy anh kể chuyện là đẹp lắm, chuyến này về hắn sẽ đi với mấy anh cho biết mùi đàn bà”
Rừng cạn dần, người ta bắt đầu đi nhặt lại những mảnh vụn, những cành nhỏ mà trước đây họ cho là phế phẩm. Giang và Hà lấy chồng. Những anh thợ rừng vạm vỡ ngủ với con gái ông trong bìa rừng trước khi cưới với hai cái bụng to lù lù, em cưới rồi chị cưới. Ông Thông có 3 đứa cháu trai quây quần. Đám cưới không rộn rã nhưng ít ra ông cũng có sui gia, chứ không như lũ bạn của cái Giang cái Hà, đẻ xong không biết bố là tên thợ rừng nào, để cho ông bà ngoại nuôi rồi đi Sài Gòn, cả năm mới về 1 lần, nghe nói ở Sài Gòn cũng làm tăng ca khiếp lắm, vắt kiệt sức. Mấy đứa con gái đi về răng hô, mông lép kẹp và ngực tóp teo. Xóm Trái có đến 15 nhà phải nuôi cháu ngoại, có đứa bố chết, đứa không rõ bố, mấy ông thợ rừng ngồi với nhau kháo rằng phải đổi xóm thành xóm Gái, xóm Ngoại. Mấy ông không còn sức để đi nữa nhưng nhớ rừng lắm, nhớ những đồng tiền màu xanh mát rượi, những mụ đàn bà thiếu vải đi ngang qua lán bạt ỏn ẻn, nhớ thời ngang dọc giữa Kbang, Kon Tum oai phong như hổ báo nhưng giờ tay mỏi, chân run, sức đã vắt kiệt cho bầy con háu ăn mà cái nghèo vẫn đeo từ năm này qua năm khác. Kiểm lâm công an họ càng làm gắt hơn, ai khai thác không có giấy phép họ bắt, giam, nên hãi.
Cái ngày 2.9.2009 đi vào lịch sử của xóm Trái khi ánh điện được về với thôn. Sau bao nhiêu năm chính quyền vận động người dân ra gần trung tâm mà không được, rồi họ cũng kéo điện cho xóm Trái. Những chuyến gỗ thưa dần nhưng văn minh hiện rõ. Cả xóm đã sắm được cái TV Panasonic 14 inch, có cái cần ăng ten chễm chệ trên cọc lồ ô cao vút, muốn coi đài nào phải xoay về hướng ấy, trời mưa thì cả xóm đua nhau cùng đếm mè trên TV.
Bằng tuổi cái Giang nhưng tôi ở cách nhà cái Giang 40km tuy cùng huyện nhưng từ bé chưa khi nào tôi với nó gặp nhau. Nó con chú, tôi con bác bà con xa. Tốt nghiệp đại học chờ xin việc tôi mới ghé vào đó thăm nó với lão. Mấy lần đám cưới bên xóm Trái bố tôi đều không cho đi theo vì sợ con suối Ayun hung dữ và cả đám trai làng Trái ganh tỵ với sự vạm vỡ và ánh mắt đen láy, hút gái của tôi. Tôi chỉ nghe nói chị em Giang, Hà, Sen đẹp nhất xóm Trái. Mấy thằng con trai tầm tuổi tôi cũng vào đó tán tỉnh và bị thanh niên trong đó đập xe máy, cánh thợ rừng họ vây họ đánh cho te tua. Có lẽ họ đẹp nên họ lấy chồng sớm, còn mấy đứa bạn gái tôi quen, có lẽ xấu hơn nên vớt vát lại bằng cái bằng đại học xanh đỏ. Nghe đâu cả xóm Trái không có người tốt nghiệp nổi cấp 2.
Xóm Trái văng vẳng tiếng chó sủa. Cánh thợ rừng giờ đã dạt đi đâu hết. Những tiếng trẻ con khóc văng vẳng bên tai. Chú Thông thọt một chân nhưng vẫn còn nhanh nhẹn vì giải nghệ rừng sớm. Bộ bàn ghế hương là kỷ niệm quý giá nhất của chú trong chuyến rừng gần cuối cùng. Linh cảm chẳng lành, trong chuyến đó chú đổi cục pơ mu lấy bộ bàn ghế của anh Công an trại giam Gia Trung. Tôi nhẹ nhàng hỏi “15 năm khai thác với hàng chục ngàn khối gỗ ngang qua đây, ba bốn năm gần đây cháu không nghe ai nhắc đến pơmu nữa, có lẽ pơ mu đã tuyệt chủng rồi chú hà”. Chế thêm ấm trà, lão thở dài “mày bằng tuổi cái Giang mà nó đã già lọm khọm, còn chú mày phơi phới thế này đây. Đã biết mùi đàn bà chưa? Nhìn cũng phong độ, sát gái đó chứ bộ. Gỗ lạt bữa ni có mô nữa cháu, hồi chú mới đi, cứ nghĩ mần hết đời cũng không hết, vậy mà hết thiệt cháu nờ, không biết vợ chồng con Giang sắp tới mần chi mà sống mà nuôi con. Tao động viên cho mấy đứa cháu đi học nghề, may mới thoát khỏi cái vũng nước đen ngòm của xóm Trái”.
“Vậy nhà dân ở đây họ làm chi để sống hả chú” – Tôi hỏi thêm.
“Thì vẫn bám rừng, hái thuốc, làm gỗ tạp, gùi gỗ cho cánh đầu nậu, bảo kê, được trả lương nhưng không phải muốn làm là làm, muốn nghỉ là nghỉ, rừng có luật của rừng cháu à”
“Ở đây mà cũng có bảo kê á chú” – tôi giật mình, tôi tưởng bảo kê chỉ có ở thành phố với mấy nhà hàng khách sạn mát mẻ mà mấy đứa cùng phòng tôi đã kháo nhau đi chơi cho biết mùi đời, nhưng tôi nào dám. Bố tôi là bộ đội, mẹ tôi giáo viên dạy văn nên hơi bảo thủ. Đến khi tôi có bạn gái cũng chỉ dám hôn và sờ soạng bên ngoài, ấy vậy mà nó dọa có thai, tôi cũng run như cầy sấy…
“Chỉ có cái bút, cái cửa quyền, cái polyme mới phá rừng nhanh thôi cháu à. Người ta móc nối cơ quan này với cơ quan kia, làm giấy phép này giấy phép kia và phải làm theo dây chuyền, có luật lệ, có cưa máy, có xe kéo rầm rập. Hồi chiều mới có đám giang hồ An Khê ghé lên chém nhau với nhóm giang hồ trên đây máu me be bét, nghe đâu hắn ra giá 300 triệu cho mạng sống của thằng Sứt nhà màu trắng to nhất huyện đó. Nhưng rồi thằng Sứt chết không phải do giang hồ chém mà do ăn chặn giá của đám thợ rừng. Thằng thợ rừng người Kẻ Bàng hiền khô mà hắn chém cho mắc rựa trên đầu. Nghe đâu đám đàn em thằng Sứt đã mò về quê thằng đó lùng bắt vợ con đền mạng. Công an không biết tính vụ này sao vì nghe đồn đám công an nhậu nhẹt với thằng Sứt suốt. Mấy đám rừng bên kia nhìn vậy chứ vô trong người ta chặt và ủi trọc hết rồi, cha ơi là đau đớn”.
Lão chế trà, với Remove, chuyển kênh Tivi, mắt nhấp nhem, lão lắng nghe cô váy vàng tóc xoăn trên chuyển động 24h ấy nói về việc Hà Nội chặt cây. Lão chưa được ra Hà Nội lần nào, nghe nói thủ đô đẹp lắm, là trái tim của cả nước, Hà Nội mấy năm gần đây phát triển nhanh lắm, coi tivi thấy nhà cao tầng san sát thì biết. Vậy mà nghe nói cán bộ ở Hà Nội quyết định chặt 6.700 cây xanh, nhựa từ những cây tuôn chảy, khô vón như máu đang xắt ra từ tâm can lão. Ở đây vùng xa xôi, người ta không biết đến nên lâm tặc hoành hành, rừng bị băm vụn cũng có lí do là lực lượng kiểm lâm yếu và mỏng, chứ Hà Nội, hàng triệu người qua lại mà chỉ trong mấy hôm hai ngàn cây xanh bị đốn hạ không thương tiếc, lão chép miệng “cán bộ có lương tri nữa không hả trời, nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá, rồi bây sẽ trả giá đắt”. Lão tắt bụp tivi.
“Hai mươi năm mà nước mắt từ những cánh rừng chưa ngừng chảy”. Lão nói tiếp. Tôi không nghĩ một ông thợ rừng lâu năm mà lại triết lý đến như thế. Có lẽ cái TV trong quán nước đã trở thành bạn thân của ông lão suốt gần 5 năm nay. Trong ký ức tôi ùa lại hình ảnh của năm ngoái. Tôi ngồi trong máy bay trở về nhà sau chuyến du lịch với mẹ ở quê, mẹ tôi vẫn tự hào quê của mẹ có làng trồng rau húng nổi tiếng mà người ta gọi là Húng Láng. Buổi chiều, tôi thả mình dọc sông Tô Lịch, đi dưới những tán cây cổ thụ mát rười rượi mà tôi thấy yêu quê ngoại lắm. Hà Nội với tôi cũng bon chen, xô bồ nhưng có những nét tĩnh nằm trong những vòm cây cổ thụ từng bị bom mình cày nát thân mà vẫn vươn lên mạnh mẽ. Thoạt nhìn ra cửa sổ khi máy bay còn 20 phút nữa hạ cánh. Những cánh rừng nguyên sinh trong ký ức của ba tôi kể trong chuyến công tác giờ trơ trọi, trọc lóc chỉ còn những quả đồi tròn như cái bát úp. Tôi tròn mắt và căng tai nghe toàn bộ câu chuyện của rừng của một người từng là lâm tặc lão làng. Thi thoảng lão chép miệng “nhanh quá, nhanh quá, ai ngờ có ngày rừng kiệt, thợ rừng phá rừng nhưng còn xót rừng, còn thương rừng vì nó có một phần máu thịt của mình cháu à”.
Ngày ấy, lâm tặc họ chỉ đốn những cây đủ tuổi đủ tác, đủ để lấy gỗ, đủ sức mình thồ về, còn bây giờ họ đốn kiệt, họ san bằng trước sự chứng kiến của hàng vạn người. Một người còn nói vô cảm, chứ hàng triệu người phải có trăm người có trách nhiệm mà còn lên tiếng để giữ lại cây, lại đất, lại rừng.
Chén hết ấm trà, lão tấm tắc khen trà bố tôi biếu ngon, lão còn ước lão ta trẻ lại như tôi, vươn vai thành thằng trai ba mươi làm nghề bảo vệ rừng, học về rừng vì lão ta yêu gió rừng xôn xao. Lão là lâm tặc nhưng lão ta chỉ đốn những cây cần bán, đủ để cho 6 đứa con của lão ăn học nên người chứ không phí phạm… Giá mà, lão không què chân sớm thì chị em cái Giang có đứa sẽ trở thành cô giáo…
Mưa tháng 10 vẫn còn rả rích, dòng suối Ayun đục ngầu cuồn cuộn chảy như gầm như thét, như nước mắt tuôn chảy thành dòng, như muốn cuốn phăng tất cả những gì đáng lẽ phải thuộc về rừng.
NHỮNG BỨC THƯ CŨ
1.
Chiếc ô tô đời mới màu xám bạc đậu trước ngõ. Linh, con dâu bà Hà gọi với vào “mẹ ơi, mẹ có khách”.
– Xin lỗi, cô là, cô….
– Ừ, chào Linh, cháu nói khẽ thôi.
– Chào chị Hà, em là Mai Anh, người làng Đông.
– À, cô Mai Anh, con cụ đồ Mống, sao cô tìm được đến đây, mời cô vô.
– Em xin phép thắp cho anh nén hương.
– Ôi, đã vào tận đây thì thư thả đã, cô đi công tác ư?
– Vâng, em có đợt công tác trong này, biết tin muộn quá, đột ngột quá chị ạ.
– Cám ơn cô, nhà tôi phúc phận mỏng, trở bệnh hôm trước, hôm sau đi luôn.
– Dạ.
Người đàn bà mặc váy đen, tay bật lửa tanh tách rồi trong phòng vẳng ra hai tiếng sụt sịt, tiếng của người bị nghẹt mũi, lặng đi trong năm phút. Con tắc kè sống trên mái nhà nhận ra tiếng người lạ kêu lên hai tiếng ‘tắc kè, tắc kè’. Người phụ nữ váy đen vén tóc bước đi, tiếng ô tô nổ êm sau tiếng chốt cửa đóng khít.
Linh ngồi trên bậc thềm của một buổi chiều có gió. Tiết trời Tây Nguyên mùa này có đủ vị của cả năm, Xuân, Hạ, Thu, Đông, đôi lúc ẩm ương khuyến mại thêm cơn mưa dịu nhẹ ban trưa. Trên đường đi làm về và cả trước cổng, cây bằng lăng nở một màu tím biếc, bâng khuâng. Mẹ chồng Linh bước ra từ gian thờ, ngồi phe phẩy chiếc quạt kể với Linh. Bà đấy là người yêu cũ của bố mày đấy. Cô ấy giỏi lắm, đã làm đến chức thứ trưởng gì đó, nhưng mà đàn bà, ai chả có trái tim đầy cảm xúc. Chắc không biết chuyện bố, bởi lẽ, nếu biết cô ấy đã vào gặp mặt bố mày lần cuối. Mẹ biết, cô ấy yêu bố mày nhiều lắm, có lẽ hơn mẹ. Bà Hà đánh sượt một tiếng thở dài rồi chép miệng, “nhanh quá”.
2.
– Linh, mày bấm cho bố số điện thoại mới gọi đến máy bố lúc sáng sớm với.
– Dạ, tiếng phụ nữ bố ạ, à mà số điện thoại giống ngày sinh của bố ghê.
– À, con ra ngoài đi, bấm lại cho bố nói chuyện.
Từ hàng lang của bệnh viện TW Huế, Linh nghe được tiếng bập bõm. “ừ, anh ổn, chắc nếu không mổ được thì anh về, nhưng chắc là chưa chết đâu, đừng sụt sùi thế chứ”
Bốn giờ chiều, người phụ nữ mặc váy đen ôm bó hoa hồng đỏ rực đặt lên giường bệnh của bố chồng Linh, mẹ chồng vô viện, Linh phân trần vì người bán hàng còn mỗi bó năn nỉ bán hai chục nghìn lỗ vốn để đạp xe về, màu đỏ ấm áp biết đâu sẽ xua được cái mùi lạnh lẽo của bệnh viện. Mẹ chồng Linh mắng Linh, đúng là cô giáo dạy văn, ẩm ương quá, nhưng thôi, có tý hoa cho đỡ nhạt nhẽo, dẫu sao bố mày còn nằm viện dài, cứ nghĩ đến chết chóc, kêu la ở bệnh viện mà quặn thắt, rồi trách trời sao số mảnh. Linh rời ra, tranh thủ chợp mắt, hình dáng người đàn bà mặc váy màu đen thoăn thoắt, mắt nhòe nước, gợi về trong tâm trí Linh.
3.
– Tây Nguyên là máu thịt của tớ, đất Tây Nguyên đã giữ lại bố tớ ở đâu đó trong những cánh rừng già, vị oi nồng của đất bazan ngấm vào huyết quản của tớ, mẹ tớ lớn tuổi rồi, cụ cũng không muốn thay đổi.
– Thông không yêu Mai Anh nữa ư?
– Nhưng tương lai của cậu, sự phấn đấu của cậu phải được ghi nhận ở nơi xứng đáng, ít là hơn tớ.
– Nhưng em cần anh, em yêu anh
– Em đi đi, tôi bận.
Thông nói rồi ngoảnh mặt quay đi, năm sau nhận tin Mai Anh lấy chồng. Thông cưới Hà, cô hàng xóm đã thay Thông chăm sóc mẹ trong thời gian Thông được cử đi học ở Tiệp Khắc. Hà mòn mỏi trong tuổi trẻ và thanh xuân. Bặt tin bảy năm, mẹ gầy đi và hanh hao, bàn tay bà nắm chặt tay Thông lúc lâm chung, bà trăn trối, đã đợi được đến ngày Thông về, bà đặt bàn tay nhỏ nhắn của Hà vào tay Thông rồi bà nhắm mắt. Tưởng mẹ con tương phùng, qua ngày khó khăn cách trở, ai ngờ sự đời éo le, Thông về nước được ba hôm thì mẹ mất. Trước ban thờ mẹ Thông, Hà đứng lặng im, bảy năm xuân sắc đợi chờ không lời hứa hẹn, không thân phận mọn, mắt Hà trũng sâu. Hà đã coi bà Xuân là mẹ của mình từ ngày Thông nói “anh đi vài năm, cô Hà có gì chạy qua chạy lại giúp anh coi bác, anh sẽ mua quà”. Bảy năm, không một cánh thư đậu lại, Hà vẫn làm tròn nhiệm vụ mà Thông chỉ nói bâng quơ, và quên chọn cho Hà món quà mà mình đã hứa. Đoạn tang mẹ, Thông cưới Hà, sinh liền hai đứa con. Thông động viên Hà đi học trung cấp dược rồi xin làm ở trạm y tế xã. Hà chậm nhưng cẩn thận, chu đáo. Sóng gió, thương trường, chiến trường, chính trị, phe cánh cuốn Thông đi biền biệt, hai đứa con trai cao lớn, phổng phao, giỏi giang mà Thông luôn tự hào là thành quả của Hà hi sinh mấy chục năm còn lại. Thông có chức sắc, có người thưa, kẻ thốt, nịnh nọt, rồi sau cơn say, người mềm nhũn lại đến tay Hà, Hà lùi lũi, năm này qua năm khác. Hết mùi khai nước đái con trẻ thì đến mùi thuốc kháng sinh, javel, cồn y tế, mùi nhớp nháp của những cơn say mà Thông đem về sau những buổi tiếp khách. Hà chẳng biết có yêu Thông không mà vẫn chung đụng với nhau ba mươi năm, cũng có cảm giác đợi chờ nhưng tuyệt nhiên không nghĩ đến li hôn, hay lời qua lại. Vậy nên khi nghe Linh nói tiếng to với Phúc, Hà không hài lòng, tụi trẻ tự do quá, thương mại hóa rồi hiện đại hóa, mọi thứ đảo chiều, xoay mòng mòng hết cả. Ranh giới giữa tự do và thiếu tôn trọng mảnh hơn sợi tóc.
4.
“Tôi biết, cô vẫn yêu chồng tôi, dù ông ấy không còn nữa, và ông ấy yêu cô Mai Anh. Khi nhìn vào ánh mắt của cô hôm ở nhà tôi là tôi hiểu tình cảm cô dành cho chồng tôi nhiều biết chừng nào. Tôi biết rằng số phận, thời cuộc, duyên số hai người không đến được với nhau, tôi vẫn luôn tôn trọng cô. Cô giỏi giang, xinh đẹp, thiếu gì người theo đuổi và thậm chí cô có thể dùng điều đó để quyến rũ chồng tôi khi tôi là một bà mẹ lam lũ, quê mùa, nhưng cô đã không làm. Tôi tôn trọng cô và quý cô lắm, kiếp này ông ấy là của tôi, vậy có kiếp sau cô hãy thay tôi làm bạn với ông ấy nhé. Thanh Hà”.
“Em rất bất ngờ khi nhận được thư của chị, thấy nét thư tay là em đoán ra chị, bởi vì nét chữ của chị hao hao nét của anh Thông. Đời này, kiếp này, em chỉ yêu anh ấy thôi. Trải qua bao nhiêu biến cố của cuộc đời khi thả mình xuống giường lúc xương khớp rệu rã em mới biết thứ duy nhất trên đời này tồn tại vĩnh viễn là tình yêu. Em đã làm việc như con thiêu thân để quên anh ấy và có vị trí như ngày hôm nay, nhưng em nhận ra, tất cả chỉ là hư ảo chị ạ. Em đã đến thăm anh ấy ở bệnh viện và nói chuyện với bác sĩ ở đó, họ nói bệnh tình anh sẽ không qua khỏi, nhưng anh rất lạc quan, anh nói anh phải sống đủ lâu để bù đắp cho Hà. Bàn tay đầy gân guốc ấy không mảy may nắm bàn tay em thêm lần nào nữa… Nếu có kiếp sau thì em tin người anh ấy muốn sống cùng sẽ là chị, chứ không phải là em. Chị hãy mạnh mẽ nhé, em Mai Anh”.
… Bà Hà lầm rầm khấn rồi hóa vàng những bức thư, khói trắng lượn vòng quanh rồi tỏa ấm gian nhà ngoài, bà Hà thấy mắt mình cay, sống mũi có giọt nước âm ấm gợn nhẹ. Linh bước lên, bà nói, sao dạo này mắt mẹ hay cay quá, cứ có tý khói vào là mắt ầng ậc nước, mày hóa vàng nốt chỗ này cho mẹ, hóa cho cẩn thận vào, đây là thư của bố mày gửi cho người yêu cũ, cô ấy gửi vào lại, mẹ nghĩ là ông ấy đã đọc thuộc, mày hóa cẩn thận kẻo sót chữ, ông về hỏi là mày mang tội. Hôm nay giỗ cô ấy đấy, hóa cho cô ấy cùng nhận với bố mày. Những nét chữ thẳng tắp nằm gọn trên những tấm giấy úa màu, lửa táp đến, cháy ngọt.
Hôm nay, đoạn tang bà nội của con Linh, những bức thư tay còn lại trên ban thờ, trong tủ Linh lấy ra, cẩn thận viết tên của từng người rồi hóa vàng, Linh đốt cẩn thận từng chữ, từng bức, Linh nghĩ nếu họ có đọc nhầm của nhau thì đây cũng chỉ là những bức thư cũ của những người hiền xưa cũ. Họ sẽ làm theo những gì mà trái tim của mình đã từng mách bảo.
ĐÁM TANG ĐẦU NGÕ
Lão nói với tôi, mai anh chết.
Tôi đang băm thịt bò để làm món sốt cà chua, nấm, rượu vang mà lão thích. Lão tự vạch ra kế hoạch mai lão chết. Chức cao, người lớp lớp thưa thốt, dưới vài người, trên ngàn người, vợ giỏi, hai con đang du học. Việc chi phải chết, khi, tôi, một ả nhân tình chân dài hơn mét, đang mang trong người mụn con gái của lão, tôi mới siêu âm hôm qua, đợi lão dùng xong bữa tối mới bật mí cho lão. Vậy mà oạch phát, lão nói ngày mai lão chết. Tôi gắt lão “anh hết chuyện để nói ư, tự dưng”. Lão hạ kính “anh nói thật đấy, em chuẩn bị tinh thần đi”, “tinh thần gì, con gái của chúng ta đang đây này”, Lão chân cao chân thấp chạy lại, xoa lên chiếc bụng trắng ngần mới nhú lên sau lớp áo lụa Thái Tuấn được may theo kiểu Pyama mỏng, mượt mà. Lão nói “ôi, con gái thật ư, năm mươi lăm tuổi tôi sẽ có con gái ư, trời ơi, con gái tôi”. Lão bật khóc tu tu như một đứa trẻ bị giật mất món đồ chơi yêu thích. Lão vẫn nói với tôi lão thích một đứa con gái điên đảo, thích lắm.
Lão bỏ kính ra trên giá sách rồi đi rửa mặt. lão lầm bầm trong gương. “Ngày mai ông chết, đừng nhìn ông trân trối như thế”.
Lão có đủ cả, chức cao. Gia đình chỉn chu. Vợ lão đang làm phó một sở của tỉnh lại theo đuổi suất nghiên cứu sinh ở nước ngoài cho gần hai con. Vợ lão thuộc hàng hoa khôi của lớp đại học lão lúc đó, đàn bà vốn xinh lại giỏi thì thường bị ghen tỵ, đa đoan thì phải, như vợ lão chịu kiếp chồng chung. Lão cũng giỏi, cũng đẹp, cũng tri thức nên họ xứng đôi vừa lứa, bao đôi trầm trồ. Nhưng với những gì dư luận thường áp đặt, theo khuôn mẫu của sự hư hỏng thì nó cũng không thoát khỏi gia đình lão. Lão có bồ. Lão yêu tôi khi ở trên đỉnh cao sự nghiệp và bên kia cái dốc của cuộc đời, sức khỏe tơi bời vì bao nhiêu năm cống hiến cho sự nghiệp cày cuốc trên máy tính, giấy tờ, dự án. Một lần đi gặp gỡ doanh nghiệp thì lão gặp tôi, khi đó tôi cũng có bồ, là giám đốc mà tôi làm thư ký dưới vỏ bọc. Ngày thi tuyển tôi biết mình sẽ trúng tuyển bởi vì lão giám đốc lắm tiền nhìn chăm chăm vào khe áo của ngực tôi. Thầy giáo dạy môn maketting của tôi nói rằng “đàn ông mà thấy gái đẹp không ham là đàn ông hỏng, mà phụ nữ đẹp không biết lợi dụng sắc vóc của mình để bù cho sự thiếu hụt về trí tuệ là phụ nữ dại”, có lẽ vì mê thầy đẹp trai nên tôi đi học môn thầy chăm chỉ nhất, rồi ngấm những điều thầy dạy về những mặt tiêu cực của xã hội mà nó buộc con người ta phải hư để thích nghi với những lỗi hệ thống. Tôi ra trường, lương năm triệu, tuần đến công ty ba buổi, lâu lâu đi ra nước ngoài với sếp bồ. Hai năm, hết hợp đồng, mua đủ căn hộ thì tôi bái bai, dù hắn van xin dọa nạt nhưng tôi đã dệt được bè cho mình, mà muốn đẩy thuyền, lật thuyền đã có lão mới chống lưng. Cái dại của hắn là tin tôi quá mức, đi đâu cũng chiều tôi quá đáng, mà thường thì trẻ con, được chiều hay hư. Đàn bà cũng đỏng đảnh như trẻ con vậy. Dù tôi được bọc dưới cái áo trắng ngần của làn da, khuôn mặt được thẩm mỹ vài ba lần cho ngây thơ, hồn nhiên nhưng tôi tự thấy mình hư hỏng lắm ấy nhưng lão vẫn mê tôi. Tôi hai ba tuổi, chưa chồng, bụng dạ vẫn phẳng lì vì tuần ba buổi đi tập gym, chưa chạy xệ hay nhão nhoét vì mang bầu đẻ chửa như các bà vợ, nên lão mê. Cũng phải. Lão nói, gặp tôi lão như sống lại thời tuổi trẻ. Nẫng tôi từ tay trên của giám đốc – tình cũ vừa bị tôi phũ, lão hân hoan, lão đưa tôi về căn nhà ba tầng ở ngoại ô, nơi vẫn đóng cửa suốt tám tháng qua vì vợ lão đi Pháp với thằng con trai đầu. Lão thuê công ty sự kiện thắp nến nơi phòng ăn, rồi đón tôi về. Chiếc giường trải nhung màu đỏ đã khiến lão hổn hển, vật vã, mồ hôi bịn rịn bết tóc, lão để lại trên cổ tôi những vết đỏ bầm để hai đứa bạn tôi biết tôi mới trải qua một đêm nồng nàn, lấy đi nhiều calo của nhân tình mới…
Bạn bè tôi ra trường, bao đứa, yêu nhau, vật vờ tìm nhà trọ, làm thuê công ty hay chạy được suất biên chế nhà nước sáng cắp ô đi, tối cắp cặp về tiền chạy việc cũng bằng cả mấy năm lương thì cũng thế. Cũng phải vất vả mất mười năm đầu cho cưới xin đẻ chửa, thuận lợi lắm thì mua được căn nhà nho nhỏ. Đầy đứa đẹp gái, nhưng mười năm sau nhan sắc cũng sa, cũng lặn đâu hết mất rồi. Thời gian nó phụ bạc lắm, nhất là đối với đàn bà, có chồng, đẻ chửa, nuôi con. Tôi đã từng đi thăm con bạn thân đẻ tôi khiếp, nó la lối, nó trăn trối như là sẽ chết thật, vậy mà chỉ hai năm thôi, nó lại mang bầu, lại lóc cóc đưa đứa nhỏ đi viện đẻ cùng mẹ.
Vợ lão về. Li dị với lão rồi cũng đi hẳn. Tôi không có ý định đá lão, vì lão giàu, Lão chỉ là quan của một tỉnh miền núi thôi, dù tỉnh vẫn được xếp hạng nghèo nhưng lão giàu lắm. Tôi đã từng nhìn thấy những cuốn sổ tiết kiệm trị giá trên chục tỷ của lão. Rồi đất đai, tôi không biết lão làm gì, nhưng bạn bè của lão toàn quan, toàn giàu. Họ gọi nhau là anh hai, anh ba, anh tư, tất thảy đều hói, đều mặc vest trịnh trọng, có chức tước, có bồ trẻ hơn vợ. Tôi chơi với đám bồ của họ, chúng tôi giống nhau, đều thích hưởng thụ, ít làm mà check in toàn chỗ sang chảnh cho thiên hạ ghen tỵ. Nhiều lần ngồi đọc báo thấy mấy cô gái bị bắt vì mại dâm, tôi cười khẩy “ừ, mại dâm cũng chia nhiều hạng theo thứ bậc xã hội, tôi, đám con gái chân dài đang nằm xõa trong spa không tý quần áo nào cũng có khác gì đâu, nhưng tôi khác họ là tôi may, vì biết bấu víu, biết tìm cái ô mà nhờ”. Bố mẹ ở quê vẫn tin tôi đang làm cho công ty nước ngoài, lương tháng nghìn đô. Vẫn khoe với xóm làng, tự hào, đâu biết rằng tôi không còn là đứa học sinh chuyên Anh của trường HV, nơi bao đứa trẻ tự hào khi thi đỗ và theo học, sau những phút tự hào ảo tôi cũng thấy mặc cảm với chính mình, tôi chẳng còn dám về và gặp bạn bè.
Tôi sắp ba mươi. Tôi quyết định sinh con, một đứa con gái. Tôi không cần danh phận. tôi đã là phòng nhì của lão hơn năm năm rồi. Lão cũng già, cũng chết, lão hơn tôi gần ba chục tuổi cơ mà. Tôi cũng cần con. Tôi thích một đứa trẻ ngậm ty màu hồng, vừa mút, tay vừa mân mê vú bên kia, vừa cười khành khạch khi thọc lét. Cười không cần lí do, rồi nó nhe rang cắn bất kỳ chỗ nào, nó chập chững bước đi. Chỉ nghĩ đến đó thôi. Chao ơi, tôi là một đứa gái bao hoàn lương ư, không cave mới đúng. Rồi tôi khóc vì tưởng tượng. Người ta nói đàn bà có bầu dễ khóc, khóc vì hạnh phúc, vì thiên chức, vì có con thì tôi mất chỗ dựa về kinh tế. Rồi mẹ con tôi sẽ bấu víu vào đâu khi lão chết.
Lão uống hết li rượu rồi đi. Lão nói. Lão sai rồi. Lão tham quá. Cơ chế thay đổi rồi. Mình bạch hóa. Dân bây giờ khôn quá, đợi cán bộ sẩy ra là tẩy chay ngay. Tài sản của lão bị điều tra. Ông anh của lão đã bị bắt. Ông anh đã có kế hoạch tự tử bất thành nhằm chối tội, còn lão thì cũng sẽ chết theo kế hoạch, để tránh phiền phức dây chuyền. Chao ơi, đạo diễn của màn kịch này mới cao tay. Sau khi ăn đủ, đục khoét mọ ngõ ngách của tỉnh, đứa cao chạy xa bay, đứa tự tử bất thành, đứa chết lâm sàng giả đò. Tôi hỏi lão “chỉ là giả đò, việc gì cưng phải lo thế, cưng chỉ nằm đó, tụi nó mang vòng hoa tới, gia đình, họ hàng phát áo tang, khóc lóc hết ngày cưng chui ra khỏi quan tài thôi mà”. “Đầu óc của em đúng là bằng quả nho, đàn bà đái không qua ngọn cỏ”.
Xoảng… Xoảng
Rầm rầm
Người như em cần danh phận ư?
Lão cười khẩy rồi xô cửa bước ra.
Tôi đánh rơi cái chảo xuống nền, xoa tay lên bụng rồi thút thít khóc. Ồ, lạ thay, tôi vẫn có nhiều nước mắt để sẵn sàng khóc khi cần đạo diễn, không còn trơ lì khi buông bỏ người tình?
Tiếng kèn ỉ ôi, tiếng người khóc thút thít. Báo giật title đưa tin, giám đốc sở tỉnh nọ đột tử tại nhà riêng… khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra. Sáng cà phê vỉa hè mấy cụ già đưa đẩy nhau tờ báo in còn nguyên nếp gấp. Lạ thật, thời kỳ công nghệ số nên báo in được ra rìa sớm, chỉ còn vài người cà phê vỉa hè, các ông cụ về hưu rỗi rãi nhâm nhi, cái thú đợi báo mới hàng ngày nó bay biến đi đâu mất. Đến nỗi có đơn vị kia, sếp bị bắt, báo chính thống đưa tin rồi nhân viên mới té ngửa, tưởng sếp nghĩ phép, vậy là có nhiều người cầm trong tay thông tin mà mù tin tức. Mấy người mặt ủ rũ đến bắt tay tang quyến chia buồn, các sở ban ngành, các công ty đối tác không đến được bèn gửi vòng hoa. Người ta đồn đoán, vợ con về dự đám tang mà mặt lạnh tanh, bởi vì cái giá mà lão phải trả. Bởi vì lão đã ruồng rẫy vợ con để theo nhân tình chỉ bằng tuổi con, vợ con giờ về chỉ theo nghĩa tử là nghĩa tận chứ chả đau xót gì mà sâu cay. Lãnh đạo tỉnh gửi vòng hoa…Kẻ ác miệng thì buông lời “giết người diệt khẩu”, người tỉnh tò lại bĩu môi “chắc gì trong quan tài kia đã có người, có khi hắn đã tẩu táng phân nửa tài sản qua bên kia biên giới với hòm tiền đầy vời vợi của ngân hàng Thụy Sỹ”…. Lão nằm đó mà nghe bao lời sâu cay. “Dân tình đói khổ vậy mà lãnh đạo nào cũng giàu có quá, ai cũng xe cộ bóng lộn, nhà mặt phố, họ có biết được nỗi khổ của dân, dân cổ ngắn có kêu thấu trời, đó,dân vay ngân hàng được trăm triệu làm ăn thì hắn dọa này nạt nọ chui chỗ này, đắp chỗ kia, vậy mà quan cứ phởn phơ, đó, cái bộ máy đó hèn gì rệu rã, hèn gì dân mất niềm tin, hèn gì có nhiều nơi cướp bóc nhũng nhiêu. Nhưng rồi ai cũng phải trả giá. Họ phải trả giá cho hành vi của mình, phải đứng trước tòa án của Pháp Luật và của lương tâm, để họ biết…”.
Bao nhiêu lời nói sâu cay đều lọt vào tai lão.
– Nếu ông hợp tác, thành khẩn khai báo, ông sẽ được hưởng khoan hồng theo khoản 1 điều 46 bộ luật hình sự.
– Vâng, tôi biết, tôi khai, cậu có thể cho tôi li nước không
– Ông đã tự đến cơ quan điều tra đầu thú, đó là một tình tiết coi trọng giảm án, nếu ông hợp tác điều tra với chúng tôi ông có thêm cơ hội nữa.
…..
– Cô được mời đến đây với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan, theo thông tin chúng tôi có được thì cô là người đã động viên ông T ra đầu thú. Công của cô rất lớn, nhưng tài sản của ông T bị kê biên theo danh mục, có tài sản đứng tên cô chúng tôi mời cô lên.
– Vâng, tôi biết, tôi chỉ mong anh ấy được giảm nhẹ hình phạt, để con tôi được nhìn thấy mặt bố trước khi quá muộn.
– Con chị được mấy tháng rồi
– Cháu được hai tháng rưỡi, giống bố, anh coi nó đây này.
– Chị còn biết điều gì liên quan, mời chị khai vào đây.
– Vâng…
– …………
Căn nhà nhỏ trong hẻm được thuê với giá tám trăm ngàn. Căn phòng gần ba mươi mét vuông. Tôi kê được chiếc giường mét tư, mua cho con cái tủ bốn ngăn có con gấu bông đùa trong đám cỏ xanh rờn rợn. Đã bảy năm rồi, tôi chỉ quen lướt ngón tay trên smart phone. Giờ lọc cọc đi rửa bát thuê cho quán phở chuyên phục vụ người nước ngoài ở thành phố mới, bằng cấp học xong cũng trưng ra đó, mấy năm có dùng đâu mà ứng với dụng. Bố của con gái tôi đã chấp hành án được nửa chặng đường. Mấy năm rồi cứ mỗi lần lên thăm cán bộ quản giáo đều nói lão hạnh phúc vì có hai người phụ nữ thăm nom chứ không phải như bao người ở đây, có chức tước, kẻ thưa người dạ đầy mình vậy mà chỉ sau một thời gian vào đây đến vợ con cũng bặt tăm. Lão đi tù nhưng vẫn đọc sách và thiền, lão viết thư cho con gái, muốn được con gái tặng cho đôi kính lão để lúc rỗi lão đọc sách qua ô cửa sổ to hơn bàn tay rọi những tia nắng yếu ớt cuối ngày qua lớp tường dày cộp của phòng giam. Lão mong được giảm án để được bế con gái bằng xương bằng thịt…lão chưa được gặp con gái bởi vì lão không muốn con gái của lão phải gặp lão ở chốn này…
Chiều nay, tan ca làm sớm, tôi tất tưởi đi chợ, ghé vào hiệu kính nhỏ xíu nằm ngay góc chợ lớn. Cậu bé đi du học về nhưng không đi làm mà mở tiệm bán kính mắt. vét những đồng lương cuối tháng tôi mua cho lão cặp kính mới để con gái gói, cột nơ và tháng tới có lương tôi lại bắt xe đò ngược lên miền núi thăm lão…
Tháng Chín, những cơn mưa dài, gay gắt. Căn phòng trọ ẩm thấp. Con gái ho lên từng đợt liên tục. cô giữ trẻ nhắn “chị coi về sớm đón cháu, hình như cháu bị viêm phổi”. Quán đông khách, những ngày cuối tuần tấp nập, người ta chi hàng triệu bạc cho từng bữa hẹn hò phí phạm, có đâu đó ánh mắt thèm thuồng, tiếc rẻ, níu kéo cho một thời xuân sắc tàn phai qua mau. Tôi chọn những phần thức ăn còn mới bỏ vào một túi sạch, đưa về cho con gái và những đứa trẻ háu ăn trong xóm trọ nghèo, rồi tất tả đón con đi viện. Cuối hành lang, bóng người phụ nữ và đứa trẻ xiêu vẹo. Nước mắt tôi lăn dài trên hai gò má khi bác sỹ nói con phải nhập viện. Chị gọi người nhà đến hỗ trợ…
Tôi lục túi, lấy điện thoại, nhưng biết gọi ai…đã mấy năm rồi, tôi một mình xa lạ giữa phố phường đông đúc, tôi vừa làm bố, vừa làm mẹ của con gái tôi, nó giật mình, tỉnh giấc, nắm chặt tay tôi rồi khẽ nói “mẹ, mẹ, con thấy bố về, bố của con, mẹ cũng thấy đúng không, mẹ khóc ạ”. “Ừ, Titi ngoan rồi bố về, ngoan nhé, mẹ không khóc đâu, con gì hư, nó bay vào mắt mẹ…”
Chiều. Căn nhà trắng to oạch đầu ngõ lại có đám tang. Nghe nói chủ căn nhà cũng đột tử khi đang đương chức, tiếng kèn trống ò í e, tiếng xe cộ vào ra kín ngõ.
Đời người sanh lão bệnh tử có mấy hồi, mà có ai nói được điều gì sâu xa, sống nay chết mai, trầm luân khổ ải, tôi đi xe chậm lại, kéo gương mũ bảo hiểm, khẽ nhìn qua, bao nhiêu người áo quần chỉn chu, mặt sáng loáng, bước vào phúng viếng.
Trước giờ cơm tối, tivi đưa tin, dịp Quốc Khánh, nhà nước tổ chức đặc xá, khoan hồng, người mặc đồ sọc đang đứng mắt tôi trên tivi tươi cười rạng rỡ, rồi khẽ lấy tay gạt nước mắt.
Ký ức tua lại. Tôi chợt nhớ về một đám tang, cái hồi mà tôi được kể về sự chết, nếu hồi ấy đầu phố nhà lão có treo cờ tang thì có lẽ đến suốt cuộc đời còn lại lão không thể tìm đâu được nụ cười tươi như thế…
( Tác giả TẠ NGỌC ĐIỆP)
Tạ Ngọc Nam-PCT.HĐHTVN-BLSHTVN sưu tầm ngày 13/06/2022 theo nguồn: vanvn.vn