(HNNN) – Trao đổi với Hà Nội Ngày nay về việc đưa trí thức trẻ về nông thôn, Tiến sĩ Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh yếu tố nền tảng là nhận thức. Trong đó, quan trọng nhất là niềm tin về nông nghiệp, nông thôn trong tương lai để trí thức trẻ gắn bó lâu dài với khu vực sản xuất này.
– Xin ông cho biết đôi nét về tình hình các hợp tác xã (HTX), đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ ở các HTX, vùng nông thôn Hà Nội hiện nay?
– Thành phố hiện có 1.210 hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) tại 23 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 1.065 HTX đang hoạt động (chiếm 88%) và 145 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể (chiếm 12%). Số lượng HTXNN được thành lập mới trong 8 tháng kể từ đầu năm 2020 là 28 HTX (đạt 65,1% kế hoạch). Cùng khoảng thời gian đó, số HTXNN phải giải thể là 2. Tổng số cán bộ quản lý, điều hành HTXNN là 6.175 người; trong đó, 2.496 người có trình độ sơ cấp, trung cấp; trình độ cao đẳng, đại học có 1.148 người.
– Những năm gần đây, khi các HTX truyền thống chuyển đổi theo mô hình doanh nghiệp thì năng lực của đội ngũ này có đáp ứng được yêu cầu? Những vấn đề mới nảy sinh là gì, thưa ông?
– Khi các HTX truyền thống chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 thì nhiều cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Lý do: Độ tuổi trung bình cao; làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, gặp khó khăn trong việc tiếp thu thành tựu khoa học, kỹ thuật; thiếu nhạy bén…; hạn chế về trình độ quản lý, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Những lãnh đạo trẻ, năng động, hoạt động hiệu quả thì muốn chuyển lên “tuyến trên”. Mặt khác, việc bố trí cán bộ quản lý HTXNN theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương còn bất cập. Về phía nông dân, khi diện tích đất nông nghiệp không thể giúp họ làm giàu, nhiều người chuyển làm việc khác nhưng vẫn không muốn cho doanh nghiệp hoặc người khác thuê đất để sản xuất…
Trước thực trạng đó, để động lực phát triển sản xuất nông nghiệp không bị triệt tiêu, chúng ta cần thực hiện đồng bộ giải pháp “Thành lập các HTX kiểu mới, tập trung ruộng đất, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị”. Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã có 226 HTX chuyên ngành hoạt động hiệu quả, không ngừng lớn mạnh, thu hút hàng trăm trí thức trẻ về cống hiến, sáng tạo.
– Theo ông, những nguyên nhân nào khiến các HTX, vùng nông thôn Hà Nội dù thiếu cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ nhưng vẫn khó tuyển dụng trí thức trẻ?
– Trước hết là do các HTXNN sau chuyển đổi vẫn làm dịch vụ truyền thống, chưa tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; sản phẩm làm ra vẫn ở dạng thô, tự sản tự tiêu. Khu vực này không có đủ việc làm cho các thành viên, lại thiếu môi trường sáng tạo nên chưa thu hút được cán bộ quản lý, trí thức trẻ về làm việc. Thu nhập của cán bộ quản lý HTX còn rất thấp, thậm chí không có lương mà chỉ có phụ cấp nên khó giữ được cán bộ có năng lực cống hiến lâu dài cho HTX.
– Những năm qua, Hà Nội đã làm thế nào để khắc phục tình trạng đó? Dưới góc nhìn của một chuyên gia nông nghiệp và quản lý ngành, giải pháp mà ông đề xuất là gì?
– Những năm qua, thành phố đã mở nhiều lớp đào tạo cán bộ HTX, giới thiệu chủ trương, chính sách mới về khuyến khích phát triển kinh tế HTX; đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý và thành viên HTX. Hà Nội tổ chức nhiều hội thảo, tạo điều kiện hỗ trợ các HTX tiếp cận với phía doanh nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại để kết nối sản phẩm của HTX vào các hệ thống phân phối (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, sàn thương mại điện tử…) để người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm của các HTX.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội và các ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ HTX theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến nông; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Thông tư số 340/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về hỗ trợ, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX; Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn…
Về thực tiễn, đã có nhiều HTX nông nghiệp chuyên ngành ở Hà Nội thành công trong việc tập trung ruộng đất, góp đất, thuê đất, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, như HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai), HTX Đồng Tâm (huyện Quốc Oai), HTX Rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng)… Đó là những mô hình tốt, có thể nhân rộng.
Để thực hiện tốt giải pháp “Thành lập các HTX kiểu mới, tập trung ruộng đất, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị”, chúng ta cần giải quyết 4 vấn đề. Thứ nhất, cơ quan nhà nước làm tốt việc chọn vùng phù hợp quy hoạch để tập trung diện tích và lựa chọn sản phẩm chủ đạo. Thứ hai, cần chọn những hạt nhân sáng lập và người đứng đầu có đủ năng lực, ý chí và hành động để thành lập HTX. Thứ ba, không làm thay việc của thành viên HTX, mà tập trung tuyên truyền, khai thông tư tưởng cho họ. Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, vận động những hộ không có nhu cầu tham gia sản xuất cùng HTX thì cho HTX thuê đất bằng hợp đồng kinh tế. Tất cả dựa trên yếu tố nền tảng là nhận thức, trong đó, quan trọng nhất là niềm tin về tương lai nông nghiệp, nông thôn để có thể gắn bó lâu dài với khu vực này.
Nhìn chung, chúng ta cần thực hiện cuộc cách mạng về phương thức tổ chức sản xuất để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng và hiệu quả thấp, sức cạnh tranh kém, được mùa – rớt giá. Đó cũng là cơ sở để ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Tạ Ngọc Nam-PCT.HĐHTVN-BLSHTVN sưu tầm và biên soạn ngày 17/05/2022 theo: www.hanoimoi.com.vn…