Tiền đổ vào dự án như muối bỏ biển nhưng ông Tạ Đức Quyết vẫn bỏ tiền ra xây dựng ngôi Đền thờ vị tướng đời nhà Trần tài thao lược, giỏi kinh doanh đó là cụ Trần Khánh Dư.
Bao năm dãi nắng dầm mưa trên vùng Bãi Dài thuộc huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), ông Tạ Đức Quyết chắt chiu từng đồng tiền dành dụm mới hình thành nên Xí nghiệp Hợp Lực – Mai Quyền (nay đổi thành Công ty TNHH một thành viên Du lịch Mai Quyền). Dù vậy, ông Quyết vẫn quyết tâm xây dựng Đền thờ vị tướng thời Trần.
Có lẽ, chọn cái “ Đạo” để tôn thờ, để học tập cũng là hướng cho lòng mình có chí bền, tâm sáng, bằng cách đó Công ty Mai Quyền mới phát triển bền vững đến muôn đời mà ông Tạ Đức Quyết hằng mong muốn.
Trần Khánh Dư là vị danh tướng đời nhà Trần, tước Nhân Huệ Vương, quê ở Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông say mê sách, võ, giỏi binh thư, tài thao lược. Khi quân Nguyên Mông xâm lược nước Đại Việt lần thứ hai, giặc sang cướp phá nước ta tàn khốc, Trần Khánh Dư đã nhân cơ hội khi giặc sơ hở, ông chỉ huy quân sỹ đánh úp. Giặc thua to. Vua Trần khen ông là người có trí lược. Sau đó ông được cử đi dẹp loạn ở vùng núi và thắng lớn, được vua phong là Phiêu kị Đại tướng quân.
CHUYỆN XƯA
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba của nước Đại Việt ( năm 1287 – 1288) Trần Khánh Dư được giao làm Phó tướng chặn đánh giặc ở Vân Đồn – Quảng Ninh. Lúc đó đoàn thuyền giặc do Ô Mã Nhi chỉ huy mạnh như vũ bão, quân giặc rất giỏi nghề sông nước. Biết không thể nào ngăn nổi lũ giặc điên cuồng, Trần Khánh Dư suy đoán thế nào giặc cũng huy động đoàn thuyền lương theo sau. Ông bèn chỉ huy đón lõng và đánh bại toàn bộ đoàn thuyền lương tiếp viện do tướng giặc là Trương Văn Hổ cầm đầu, thu nhiều quân lương, khí giới ( đầu năm 1288).
Như hổ đã bị chọc thủng dạ dày, lũ giặc Nguyên Mông không còn nguồn lương thảo nên sau đó không bao lâu buộc phải rút quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ nước Đại Việt.
Đất nước lại thanh bình, Trần Khánh Dư đã “ rửa tay, gác kiếm”, ông ở lại vùng Vân Đồn ( xưa là thương cảng), nơi được bao bọc trong lòng vịnh Bái Tử Long đầy thơ mộng. Ông chuyển sang nghề kinh doanh than củi và để lại đời sau vài câu thơ nhưng bất hủ:
“ Một gánh càn khôn quảy xuống đàng
Hỏi rằng: Chi đó! Bảo rằng: Than!”
Trong căn phòng làm việc ngổn ngang bản đồ quy hoạch, ông Quyết từng ngày nỗ lực nghiền ngẫm các phương án tối ưu để tạo nên hình hài Dự án khu Du lịch Bãi Dài – địa danh gắn bó với ông như định mệnh. Cho đến bây giờ, ông Quyết vẫn tin lựa chọn không tiếp tục ở lại Nga mà trở về Việt Nam để làm một việc gì cho quê hương, đất nước là quyết định sáng suốt.
CHUYỆN NAY
Thời đó, không ít người đánh giá ông Quyết…”gàn dở”. Vì từ một công nhân XN Xây lắp Mỏ Mạo Khê, được tuyển chọn sang Liên Xô làm công nhân kỹ thuật đã là may mắn. Sau 5 năm, khi vừa làm vừa tranh thủ học xong chương trình trung cấp cơ khí, trình độ tiếng Nga thành thạo, ông được bạn mời ký tiếp hợp đồng lao động lại là may mắn thứ 2. Thế nhưng ông Quyết lại… từ chối và về nước… làm phiên dịch cho đoàn chuyên gia Nga tại XN Xây lắp Mỏ Mạo Khê.
Năm 1998, ông Quyết xin nghỉ việc để thành lập XN Mai Quyền – Hợp Lực ra đời từ ý tưởng và quyết tâm đó. Ông Quyết ra Vân Đồn khai thác quặng và tận thu than. Bãi Dài là địa danh mà ông lựa chọn và gắn bó. Hồi ấy, vùng ghềnh bãi này không điện, không nước, không người qua lại… Nhưng, là người có điều kiện chiêm ngưỡng nhiều khu du lịch trên thế giới, ông biết đây lại là địa danh nhiều tiềm năng du lịch, và ông đã dốc toàn lực để đầu tư.
Sau 18 năm, từ chỗ chỉ rộng 7 ha, Dự án khu du lịch Bãi Dài nay đã mở rộng lên 30 ha. Với 2 khu, 200 phòng nghỉ cao cấp và hệ thống nhà hàng, bãi tắm đầy đủ tiện nghi hài hòa, gắn bó với thiên nhiên. Những bãi cát vàng, cát trắng mịn màng, các lầu nghênh phong, biệt thự, nhà sân, nhà trẻ bên bờ biển xanh thơ mộng…
Ông Quyết nói rằng, hạ tầng của khu du lịch này đã được đầu tư theo định hướng phải bảo vệ, tôn tạo thiên nhiên. Do vậy, gam màu chủ đạo của khu du lịch Bãi Dài là màu cỏ cây, hoa lá chan hòa với biển, đảo, mây trời. Nơi ấy, những rừng phi lao, keo lá tràm, rừng dừa, cây ăn quả đã bắt đầu khép tán, sớm tối đắm chìm trong tiếng ríu ran của chim rừng, chim biển…
Ngoài ra, Công ty Mai Quyền còn đầu tư xây dựng khu đô thị Ao Tiên với tiêu chí xây dựng thân thiện với môi trường. Từ khi Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển huyện đảo Vân Đồn trở thành trung tâm thương mại – du lịch của tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo này đã “thay da đổi thịt” từng ngày. Trước kia muốn ra đảo phải đi phà biển, trời yên biển lặng cũng phải cả một giờ tàu chạy.
Nay hệ thống cầu Vân Đồn 1, 2 và 3 đã nối liền đảo với Cửa Ông – thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh). Từ bến xe khách Bãi Cháy đã có tuyến xe bus chạy 2 tiếng đồng hồ là có mặt tận Bãi Dài của huyện đảo Vân Đồn.
Đến cuối năm 2017 này tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn có chiều dài 60 km sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Vùng tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng- Quảng Ninh sẽ được phát huy tối đa. Sớm muộn gì tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ được xây dựng tạo ra một cú hích du lịch – thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc – khối ASEAN.
Trong khi tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn đang được nhanh chóng hoàn thiện thì Dự án sân bay Quốc tế Vân Đồn với tổng mức đầu tư đến năm 2030 là 5.128 tỷ đồng. Khi hoàn công, sân bay này có tiêu chuẩn 4E, công suất 5 triệu lượt khách/năm và tiếp nhận được tàu bay Boeing 777.
Trong nay mai, đặc khu kinh tế Vân Đồn đi vào hoạt động với hàng loạt hệ thống thương mại – du lịch – sòng bạc quốc tế … ra đời sẽ tạo nên điểm nhấn mạnh mẽ trong vùng khiến cho các dự án của Công ty Mai Quyền được kích cầu để cùng phát triển mạnh mẽ bõ với bao năm “nếm mật, nằm gai” ở khu rừng thiêng, nước độc của ông Tạ Đức Quyết.
Nhưng ngay bây giờ, tại Bãi Dài du khách đã có thể đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, trong tiếng gió, tiếng chim và cả tiếng chuông ngân. Đó là tiếng chuông từ Đền Trần Khánh Dư Công ty Mai Quyền xây dựng. Với nhiều ngư dân và không ít du khách, tiếng chuông từ Đền Trần Khánh Dư âm vang trong vùng đảo đá, vùng biển làm ấm lòng người trong những ngày đông giá rét.
Với ông Quyết, việc xây dựng Đền Trần Khánh Dư là ước nguyện không riêng cá nhân ông, mà là của cả những người dân huyện đảo Vân Đồn cũng như tỉnh Quảng Ninh. Trước khi quyết định lập nghiệp ở Vân Đồn, ông Quyết đã dày công tìm hiểu thung thổ. Thăm di tích thương cảng Vân Đồn, ông tần ngần trước điện thờ danh tướng Trần Khánh Dư rất lâu. Ông tôn thờ danh tướng Trần Khánh Dư không chỉ vì tài thao lược, mà còn cả vì đây là vị tướng giỏi… kinh doanh. Đó là vị tướng đã trở thành thần hộ mệnh của vùng biển đảo Vân Đồn.
Trở về, ông Quyết chạy đôn đáo xin phép bộ, tỉnh, huyện, rồi lại tìm thầy, tìm thợ thiết kế, chọn địa điểm dựng Đền, rồi tổ chức thi công. Hơn hai năm (2003 -2005) miệt mài dồn sức người, sức của, ngôi Đền đã hoàn thành, hội tụ khí phách kiên cường của Vị Tướng – Doanh nhân khi xưa và thế hệ hôm nay. Ngôi Đền mô phỏng phong cách Việt cổ, với hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng rực rỡ, tôn vinh công trạng của vị Tướng Trần Khánh Dư; như “Thụy khí sinh quang/ Phúc duyên hải ấp”; hoặc: “Trần Khánh Dư lưu danh muôn thuở/ Trận Vân Đồn vạn kiếp lưu danh”.
Ông Tạ Đức Quyết còn đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng xây dựng tháp chuông 3 tầng, thuê thợ làng Ngũ Xã, làng có nghề đúc đồng từ xa xưa của đất Kinh kỳ (Hà Nội), đúc quả chuông nặng 7 tạ, về treo lên tháp. Để hàng ngày cứ 5 giờ sáng và 5 giờ chiều, tiếng chuông từ đây âm vang.
Ẩn sau một người đàn ông to cao, vạm vở, khuôn mặt vuông chữ điền, mày ngài, râu hổ…là một doanh nhân Tạ Đức Quyết hiền hậu, giản dị, ông bộc bạch: Tôi xây Đền thờ Trần Khánh Dư vì tôi yêu quý, tôn thờ ông – Vị Tướng – Doanh nhân. Làm giàu cũng phải có cái “đạo”, cái “tâm”. đó là gốc rễ, cội nguồn mà tôi phải “xây” từ bây giờ thì con cháu tôi mai sau mới giữ được.
Tạ Ngọc Nam-PCT.HĐHTVN-BLSHTVN sưu tầm ngày 09/05/2022 nguồn: baoquangninh…