Khái niệm về vùng đất Phủ Lạng Thương trong những năm cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX (1895 – 1945) chỉ bao hàm không gian của hai làng Thọ Xương (làng Thương) và Châu Xuyên (làng Dền) dồn lại, tức là chỉ rộng chừng 180 ha, bằng 1/37 diện tích thành phố Bắc Giang hiện tại. Mặc dù có phần nhỏ bé và khiêm nhường nhưng vùng đất ấy lại có vị thế trọng yếu về quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa của toàn bộ khu vực Bắc Kỳ. Với nhiều dãy phố mang dáng dấp kiến trúc theo lối Tây phương, có nhà ga xe lửa và giang cảng tấp nhập tàu thuyền, Phủ Lạng Thương trở thành miền đất hứa cuốn hút nhiều sĩ tử văn nhân và là cái nôi khai nở cho không ít tài năng trác việt cho đất nước sau này. Đội ngũ danh nhân văn hóa được sinh ra và hội tụ đồng đại với quá trình hình thành và phát triển của Phủ Lạng Thương, một thực thể song song tồn tại với đội ngũ các nhà cách mạng của Việt Nam… trong đó có người con ưu tú về lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật: Đạo Diễn, Nhà Viết Kịch -NSƯT-cố Đại Tá Tạ Xuyên.
QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Tạ Xuyên sinh năm 1941 tại Phủ Lạng Thương ( Tp Bắc Giang ngày nay ).
Năm 1961 trúng tuyển lớp diễn viên Đoàn Kịch nói Quân đội.
Năm 1968 chuyển sang làm chiến sĩ văn nghệ trong Đoàn Nghệ thuật Quân đội hoạt động tại chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị.
Năm 1972 đi Liên xô học đạo diễn ở Leningrat
Năm 1976 về nước thưc tập tại đoàn kịch Tổng Cục Chính Trị. Vở thưc tâp “những con hươu xanh” dịch từ kich bản Liên Xô, đạt kết quả tốt và gây tiếng vang lớn…
1978 trở lại Liên Xô học tiếp
1979 về nước làm Đạo diễn tại Tổng Cục Chính Trị
1983 chuyển lên phòng Văn Nghệ Tổng Cục Chính Trị phụ trách mảng văn nghệ quân đội.
1988 trở về đoàn kịch Tổng Cục Chính Trị làm Đạo diễn, Đoàn trưởng, Nhà biên kịch…
Từ năm 1991, Tạ Xuyên là Trưởng đoàn Kịch nói Quân đội, có các tác phẩm và làm đạo diễn chính các vở kịch: Những con hươu xanh (Đoàn Kịch nói Quân đội), Cuộc đời và năm tháng, Người đàn bà sau tấm cửa xanh (Đoàn Kịch Hà Nội), Những khuôn mặt tôi yêu, Thành phố lặng gió (Đoàn Kịch nói Quân đội), Âm thanh kỳ diệu, Huyền thoại biển (Đoàn Kịch nói Quân đội), Quán vắng (Đoàn Kịch nói Quân đội).
Suốt thời gian vừa quản lý ,vừa sáng tác và đạo diễn rất nhiều vở diễn: những con hươu xanh, quán vắng, khuôn mặt thời gian, ấp sậu lúc hoang hôn, thời gian không im lặng, khát vọng, thung lũng trắng, bảy sắc cầu vồng,cuộc gặp gỡ muộn màng, giai điệu vĩnh hằng, đêm Hà Thành, lối rẽ thời gian, tiếng rừng, những dấu chân thời gian, mùa thu không vàng lá, Đảo cô đơn, …
ĐIỀU GÌ ĐÃ LÀM NÊN NHỮNG THÀNH CÔNG TRONG KỊCH TẠ XUYÊN ?
Ði vào thế giới kịch Tạ Xuyên có thể nhận ra đặc điểm nổi bật ở cây bút viết kịch này là ở chỗ kết hợp được trong một tầm mức nhất định sức nặng của văn chương và sắc mầu của sân khấu. Kịch Tạ Xuyên không chỉ độc diễn trên sân khấu đoàn kịch Quân đội nơi anh công tác, mà còn hiện diện trong chương trình kịch mục của Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh, Sân khấu nhỏ 5b Võ Văn Tần, kịch nói Nam Ðịnh, v.v.
Sự hội tụ hai phẩm chất văn chương và sân khấu trong các kịch bản của Tạ Xuyên không hề ngẫu nhiên. Ngay từ lúc cắp sách tới trường cậu bé Tạ Xuyên đã say mê môn văn và ngày càng bộc lộ khả năng viết văn. Tình yêu sân khấu đến với Tạ Xuyên muộn hơn nhưng lại được bồi đắp đầy đặn theo thời gian. Thuộc vào thế hệ thanh niên những năm tháng đất nước trải qua chiến tranh, Tạ Xuyên rời ghế nhà trường phổ thông trung học là bước thẳng vào quân ngũ. Khả năng nghệ thuật đã đưa anh từ người chiến sĩ cầm súng trở thành người chiến sĩ – nghệ sĩ.
Trong tư cách người diễn viên Ðoàn kịch Quân đội, Tạ Xuyên đã có nhiều dịp thâm nhập sâu vào chiến trường, vào những tọa độ lửa ác liệt nhất những năm tháng hào hùng nơi thử thách, sàng lọc quyết liệt bản chất con người. Anh cũng tận mắt chứng kiến bao tấm gương hy sinh và cả những mất mát không gì bù đắp nổi của người lính cùng các tầng lớp nhân dân. Thực tế sinh động ấy dội mạnh vào cảm quan người diễn viên trẻ những xúc cảm dạt dào, thiêng liêng, mạnh mẽ và thấm thía, để lại những ấn tượng mãi mãi không phai mờ…
Tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn tại Trường ÐH sân khấu Lê-nin-grát (Liên Xô cũ) trở về nước, Tạ Xuyên lại tiếp tục gắn bó với Ðoàn kịch Quân đội suốt nhiều năm tháng vừa với vai trò đạo diễn, tác giả và phụ trách đơn vị. Quá trình ấy không ngừng tôi luyện cho Tạ Xuyên trưởng thành để rồi từng bước khẳng định được vị trí của mình như một nhà viết kịch mang phong cách riêng trong đội ngũ những người viết kịch của sân khấu Việt Nam đương đại.
ĐỀ TÀI TRUNG TÂM BAO TRÙM TOÀN BỘ SỰ NGHIỆP VIẾT KỊCH TẠ XUYÊN LÀ CHIẾN TRANH VÀ HÌNH TƯỢNG NGƯỜI LÍNH
Tiếp bước những cây bút viết kịch đàn anh trong quân đội như Ðào Hồng Cẩm (1924-1990), Tào Mạt (1930-1993), Chu Nghi (1931-1968), những cây bút thật sự đã gặt hái được thành công vang dội trong việc thể hiện đề tài chiến tranh và người lính, đến lượt mình Tạ Xuyên nhập cuộc và cũng góp vào một vẻ đẹp riêng, một phong cách riêng, nhất là những dáng nét mới trẻ trung của thế hệ cầm bút viết kịch về chiến tranh sau chiến tranh.
Chính sự kết hợp chất văn chương và mầu sắc sân khấu đã mang lại cho kịch bản viết về chiến tranh và hình tượng người lính của Tạ Xuyên những dư vị riêng thể hiện đậm nét dấu ấn cá tính của anh. Ðó là hướng khai thác tính kịch vừa lắng đọng, trăn trở, day dứt, vừa nồng nhiệt say mê đầy chất trữ tình… Hầu hết các kịch bản của Tạ Xuyên đều nối dài những sự kiện, tình tiết từ khói lửa chiến tranh sang hoàn cảnh hòa bình, với những xô đẩy số phận nhân vật trải qua nhiều không gian, thời gian khác nhau. Nhưng ông tránh không lặp lại những vệt mòn trong khi thể hiện đề tài chiến tranh và người lính của thế hệ các tác giả viết kịch đi trước, cũng như nỗ lực tránh lặp lại các sáng tác thuộc các chặng đường khác nhau của chính bản thân mình.
Chính cách nhìn, khai thác và thể hiện diễn tiến kịch này đã giúp Tạ Xuyên không ngập chìm vào mớ sự kiện bề bộn của những trận đánh dữ dội, ác liệt ngoài mặt trận cũng như không sa vướng vào những chi tiết sinh hoạt đời thường phức tạp khi tắt tiếng súng, thời điểm con người dễ xung khắc với nhau cũng như có khi phải đối diện với chính mình trước những nhu cầu thiết yếu, hằng ngày của đời sống mưu sinh thời hậu chiến.
Nhân vật trung tâm trong kịch Tạ Xuyên thường là những người lính hoặc thân nhân gần gũi họ. Ðó có thể là những nam, nữ bác sĩ quân y ở vở diễn Mùa thu không vàng lá hay những cựu chiến binh trải qua trận mạc, sau hòa bình, đang vật lộn, bươn trải trên nhiều lĩnh vực xã hội, ngành nghề khác nhau để mưu sinh, để lập nghiệp trong những tác phẩm như Thời gian không im lặng, Quán vắng, Bảy sắc cầu vồng, Giai điệu vĩnh hằng… Có kịch bản thể hiện trực tiếp hình tượng người lính ngoài chiến trường dữ dội như Những dấu chân thời gian, nhưng phần lớn các sáng tác của Tạ Xuyên đều diễn tả nhân vật trong cả trận mạc lẫn khung cảnh hậu chiến phức tạp để có thể khắc họa toàn diện bức chân dung tinh thần của người chiến sĩ.
Với hàng chục kịch bản đã được dựng diễn trên sân khấu cùng nhiều sáng tác đã được in, kịch của Tạ Xuyên đã có đóng góp đáng kể vào mảng đề tài sân khấu thể hiện hình tượng người lính và chiến tranh, một trong những thành tựu quan trọng của nền sân khấu Việt Nam hiện đại. Ðó cũng là lý do để nhà viết kịch này xứng đáng nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Theo thông tin từ Nhà hát Kịch Việt Nam, vở “Khát vọng” (Tác giả: Đại tá, nhà văn Tạ Xuyên, đạo diễn: NSƯT Lâm Tùng) tham gia Sân khấu thanh niên La Hồ – Thẩm Quyến ngày 29, 30/11/2017 vừa qua được ban giám khảo đánh giá cao và nhận đươc 6 giải thưởng: Vở diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Thiết kế sân khấu xuất sắc nhất, Diễn viên Ngô Thuận đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất, NSƯT Lâm Tùng đoạt giải nam diễn viên xuất sắc nhất.
Tạ Ngọc Nam-PCT.HĐHTVN-BLSHTVN sưu tầm và biên soạn ngày 03/05/2022