Người lưu giữ những trang sử của làng

Sinh năm 1938 tại khu 4, xã Dị Nậu, năm 1965 thanh niên Tạ Đình Hạp trở thành thầy giáo. Đến năm 1970, ông Hạp được nhà nước cử sang Liên Xô học Thạc sĩ ngành Vật lý nguyên tử. Sau 8 năm học tập tại nước ngoài, ông Hạp trở về công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phú.

Ông Hạp bắt đầu sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép lại lịch sử làng Dị Nậu từ cuối năm 1989. Đến năm 2008, ông viết những trang đầu tiên của cuốn “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê”. Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 2011, tái bản lần thứ 2 năm 2014. Cuốn sách có 916 trang với 5 chương viết về sự hình thành và phát triển của xã Dị Nậu bắt đầu từ thời Vua Hùng thứ VI, năm 1681 trước Công nguyên. Nội dung chính của cuốn sách giới thiệu về điều kiện tự nhiên; các di tích lịch sử văn hóa; phong tục tập quán của dân làng; truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm; một số sản vật, đặc sản tiêu biểu của xã Dị Nậu…

Là người tâm huyết với lịch sử văn hóa của làng nên khi về hưu, ông dành toàn bộ thời gian, công sức để sưu tầm, ghi chép và bảo tồn những tư liệu lịch sử của địa phương.

Hằng ngày, không quản nắng mưa, ông cần mẫn sưu tầm thông tin ở làng trên xóm dưới, đến gặp từng cụ cao niên trong làng để thu thập tài liệu. Hình ảnh ông trên chiếc xe đạp, cầm cuốn sổ với cây bút rong ruổi khắp làng đã trở nên thân thuộc với bà con nhân dân xã Dị Nậu. Khi kể về những kỷ niệm trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho cuốn sách công phu của mình, ông Hạp bật cười nhớ lại: “Có lần ghi ghép được một sự việc những tưởng đã không còn ai biết, tôi vui quá, quên luôn xe đạp ở nhà người ta mà lững thững đi bộ về”.

Ông Hạp chia sẻ: Tôi đã dành hơn 20 năm, ngay từ những ngày còn đứng trên bục giảng của Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phú để sưu tầm những tư liệu quý của quê hương mình. Tôi mong muốn những trang sách sẽ góp phần lưu lại cho con cháu sau này biết được diện mạo, phong tục tập quá, công lao của ông cha trong đấu tranh, giữ gìn và xây dựng làng quê của mình, để lớp con cháu hiểu thêm về những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của quê hương Dị Nậu.

“Đón nhận cuốn sách quý, người dân xã Dị Nậu vô cùng phấn khởi và tự hào. Cuốn sách giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về cội nguồn, về truyền thống cách mạng của quê hương Dị Nậu. Sau tác phẩm “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê”, Đảng bộ xã đã tín nhiệm đề nghị ông Hạp làm chủ biên của cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ xã Dị Nậu giai đoạn 1984 – 2008” – ông Phạm Ngọc Thái – Bí thư Đảng ủy xã Dị Nậu cho biết.

Sau tác phẩm “Dị Nậu – Lịch sử một làng quê”, ông Hạp còn cho ra đời hai tập thơ “Hương quê đất Dị” và “Khát vọng vuông tròn” (năm 2014), tập văn xuôi “Báu vật văn hóa truyền thống làng – Trăn trở thời hội nhập” (năm 2016) và tập sách “Du lịch tâm linh cội nguồn làng Dị Nậu” in năm 2017. Ngoài ra, ông còn có hàng chục bài viết nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian làng Dị Nậu đã đăng trên các báo và tạp chí ở Trung ương và địa phương.

Khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của làng

Dị Nậu là vùng đất cổ có niên đại hàng nghìn năm, với truyền thống lâu đời, có nhiều di sản văn hóa đặc sắc như đền Quốc Tế, hệ thống cây di sản; là vùng đất có nhiều di sản văn hóa dân gian đặc sắc. Đây chính là nơi khai sinh trò “Bách nghệ trình làng” hay “Bách gia chi nghiệp” – là một tích trò cổ xưa có nguồn gốc từ thời Hùng Vương dựng nước. Trước kia, trò “Bách nghệ trình làng” được người dân Dị Nậu tổ chức vào  mùng 4 tháng Giêng hằng năm, nhưng do chiến tranh cùng với các điều kiện khách quan khác nên trong thời gian khá dài từ năm 1949 đến năm 2015, tích trò này không được diễn. Với quyết tâm sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng lại, ông Hạp đã tìm gặp các cao niên trong làng để ghi lại từng câu thoại, từng nội dung của tích trò.

Ông Hạp chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất trong quá tình sưu tầm, phục dựng lại tích trò này là các bậc cao niên đều đã tuổi cao, trí nhớ kém nên nội dung có đoạn bị đứt gãy. Nhưng sau bao nhiêu nỗ lực cố gắng, vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, tích trò đã được hồi sinh, được trình diễn trước công chúng sau nhiều thập kỷ bị lãng quên”. Tích trò “Bách nghệ trình làng” được huyện Tam Nông chọn để trình diễn tại hội trại văn hóa dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, góp phần bảo tồn văn hóa làng xã và kho tàng văn hóa dân gian trên quê hương Đất Tổ.

Không chỉ nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, ông Hạp cũng chính là người có nhiều đóng góp lập hồ sơ cho các cây di sản ở Dị Nậu và được Hội đồng Cây Di sản Việt Nam công nhận cây thị cổ thụ và cụm 7 cây hoa đại vào năm 2012.

Theo người dân trong làng, tương truyền, cây “Thị thần” có từ đời Vua Đinh ộ Lĩnh (970 – 979). Khi xây dựng miếu thờ Đức Thánh Tản Viên (258 TCN), dân làng đã trồng cây lấy bóng mát, đồng thời như muốn tạo dựng một vị thần canh gác, trấn giữ Miếu thờ. Tính đến nay cây thị đã có hơn 1.000 năm tuổi, đều đặn hằng năm vẫn đơm hoa, kết trái, tỏa hương thơm ngát vùng đất thiêng. Gốc thị xù xì, thô ráp, chu vi 7,96m (đường kính khoảng 2,45m, chiều cao từ gốc đến ngọn khoảng 18,45m), 5 người trưởng thành vòng tay ôm cũng chưa kín gốc. Còn cụm 7 cây hoa đại hơn 700 năm tuổi xuất hiện từ đầu thế kỷ XIV (thời nhà Trần), được trồng bao bọc xung quanh ngôi chùa Thiên Sinh Bà Nhan.

“Cây di sản đã gắn bó lâu đời với người dân trong làng Dị Nậu. Người dân trong làng rất tự hào và cũng nhận thức được việc chăm sóc và bảo tồn cây. Cây lớn lên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử giúp người dân nơi đây nhớ về cội nguồn tổ tiên nên việc bảo tồn cây di sản là trách nhiệm, nghĩa vụ không phải của riêng ai mà mọi người đều phải có ý thức chung để bảo tồn, phát huy giá trị cây di sản” – ông Hạp cho biết thêm.

Nặng lòng với quê hương, tâm huyết với bản sắc dân tộc, ông Hạp luôn cố gắng ghi chép lại những gì mình được biết, chứng kiến, làm tài liệu cho con cháu hiểu rõ về lịch sử của quê hương. Niềm đam mê sưu tầm, nghiên cứu lịch sử, văn hóa của ông Hạp đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn lịch sử địa phương.

Tạ Ngọc Nam-BLSHTVN sưu tầm theo nguồn Cổng thông tin điện tử Phú Thọ.